Các công trường tại TP Hồ Chí Minh - Hối hả ngày đầu xuân

“Trực chiến” 24/24
Các công trường tại TP Hồ Chí Minh - Hối hả ngày đầu xuân

Mùng 5 Tết Canh Dần, dù chưa thật rầm rộ như những ngày bình thường, song không khí lao động sản xuất, thi công tại nhiều đơn vị trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu nóng.

“Trực chiến” 24/24

Mùng 5 Tết, cảng Sài Gòn chưa thật nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong mỗi phòng ban của cảng đều có cán bộ trực chiến để đón tàu. Chuyên viên Phòng Kế hoạch tàu, ông Nguyễn Ngọc Thạch, cho biết: Hôm nay có 5 tàu cập cảng Sài Gòn để giao và nhận hàng. Với 5 tàu cập cảng, cảng Sài Gòn đã đạt mức tiếp nhận tàu bằng khoảng 50% so với những ngày bình thường. Con số này không cao, nguyên nhân chủ yếu do các chủ hàng cũng không muốn nhận hoặc xuất hàng trong những ngày này vì chi phí vận chuyển cũng như thuê mướn công nhân sẽ rất cao.

Bốc dỡ container hàng xuất khẩu tại Cảng Cát Lái những ngày đầu năm. Ảnh: CAO THĂNG
Bốc dỡ container hàng xuất khẩu tại Cảng Cát Lái những ngày đầu năm. Ảnh: CAO THĂNG

Không khí lao động tại cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) - cảng container lớn nhất TPHCM, cũng đã vào nề nếp cho dù cây mai trong cảng vẫn vàng rực. Phòng điều độ của cảng liên tiếp thu nhận thông tin về các tàu đang đến cảng. Ông Trương Nguyên Linh, giám sát chứng từ của cảng SPCT, cho biết, từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, SPCT đã đón 1 tàu của Pháp và 1 tàu của Malaysia. Ngày mùng 7 và mùng 8 Tết, SPCT sẽ đón thêm 2 tàu nữa. SPCT là một cảng mới đi vào hoạt động vài tháng qua. Thế nhưng, trung bình mỗi tuần đã có khoảng 6 tàu vào cảng và từ nay đến cuối năm 2010, dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp 2-3 lần.

Theo Trung tâm Điều độ Công ty Tân Cảng Sài Gòn từ 13-2 (30 Tết) đến 18 giờ ngày 18-2, cảng Cát Lái đã tiếp nhận 32 tàu container của các nước Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc... trong đó đã giải phóng hàng cho 27 tàu, 5 tàu còn lại đang tiếp tục làm hàng. Tổng sản lượng thông qua là 26.270 TEUS. Hàng hóa xuất qua cảng là thủy sản, nông sản, hàng may mặc, giày dép... sang châu Mỹ, châu Âu, các nước châu Á...

Tại 2 khu xử lý rác Đa Phước và Phước Hiệp, nhịp độ lao động không khác gì ngày thường. Trong văn phòng làm việc của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước, tất cả cán bộ, công nhân viên đã có mặt để làm việc. Lúc chúng tôi đến, mọi người đang chuẩn bị tiếp nhận ca rác buổi chiều.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, từ mùng 3 Tết, ngành vệ sinh môi trường thành phố đã hoạt động trở lại. Hiện nay, ngành đang tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 tấn rác/ngày, đây là lượng rác bình thường hàng ngày của TP. Thời điểm nặng nhất của ngành vệ sinh là từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 1 Tết. Lúc đó, lượng rác lên đến hơn 12.200 tấn/ngày và các công nhân vệ sinh phải tăng ca, tăng người để thu dọn cho hết lượng rác này, giữ cho thành phố sạch đẹp, đón xuân.

Hầm Thủ Thiêm thi công liên tục

400 là số công nhân “trực chiến” 24/24 tại công trường thi công 4 đốt hầm Thủ Thiêm trong những ngày Tết Canh Dần. Theo ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây, chủ đầu tư công trình, 400 công nhân đã luân phiên nhau lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thông hơi, tháp định vị… để chuẩn bị cho ngày lai dắt các đốt hầm ra vị trí lắp đặt vào ngày 7-3-2010.

Hầm dìm Thủ Thiêm đang được chuẩn bị đưa vào vị trí. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Hầm dìm Thủ Thiêm đang được chuẩn bị đưa vào vị trí. Ảnh: ĐỨC TRÍ

“Chúng tôi chuẩn bị cho công nhân đón tết ngay trên công trường”. Làm việc liên tục trong tết, hầu như công nhân nào cũng nhớ nhà nhưng cứ nhìn họ nói, cười… chúng tôi tin rằng họ không hề hối hận cho quyết định ở lại làm việc của mình. Công trình xây dựng Đại lộ Đông-Tây mà đặc biệt là hạng mục xây hầm Thủ Thiêm là một trong những công trình trọng điểm của thành phố, của đất nước. Được tham gia xây dựng hầm không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội học tập rất lớn cho các cán bộ, công nhân trẻ…” - ông Thanh nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (trái) tặng quà tết cho kỹ sư, công nhân công trình hầm dìm Thủ Thiêm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (trái) tặng quà tết cho kỹ sư, công nhân công trình hầm dìm Thủ Thiêm.

Ngay trong những ngày đầu năm Canh Dần, Sở Giao thông Vận tải cũng đã lên kế hoạch khởi công xây dựng hàng loạt công trình, như cầu Rạch Chiếc và 2 phân đoạn khác của đường Vành đai 2 là đoạn nối từ cầu Rạch Chiếc tới xa lộ Hà Nội, đoạn nối từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh. 3 công trình này sẽ giúp hoàn thiện đường Vành đai 2. Thành phố cũng sẽ mở rộng xa lộ Hà Nội, tiếp tục mở rộng Liên tỉnh lộ 25 B - khu vực ùn tắc giao thông lớn nhất thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ khởi công xây dựng cầu Bình Triệu 2 giai đoạn hai, cầu Sài Gòn 2 và đặc biệt hai đường trên cao nối từ quận Tân Bình, quận 11, Gò Vấp về trung tâm thành phố để giải tỏa áp lực giao thông cho hướng Bắc-Nam vốn đang quá tải. Một tuyến xe điện đầu tiên nằm dọc theo Đại lộ Đông-Tây cũng sẽ được khởi công xây dựng, tạo đà cho sự phát triển mới của hoạt động vận tải công cộng thành phố.


NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục