Tăng cường năng lực thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và tác động xấu đến đời sống con người, điển hình như: bão, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh phát sinh và hiện tượng nước biển dâng cao...
Trang bị kiến thức về BĐKH cho các sở, ngành
Là một trong những quốc gia tích cực nhất trong chương trình ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy các chương trình, không ngừng cập nhật, sáng tạo các biện pháp ứng phó... và một trong những chiến lược xuyên suốt chương trình ứng phó với BĐKH là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Củng cố đê biển - một trong những biện pháp tăng cường năng lực thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu (ảnh đê biển tại tỉnh Kiên Giang) (Ảnh: CAO THĂNG)
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), từ năm 2014, dự án Tăng cường năng lực thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Với 3 mục tiêu chính: “Nâng cao năng lực thể chế về ứng phó với BĐKH của Ủy ban quốc gia về BĐKH và các đầu mối về BĐKH của các bộ, ngành và các địa phương liên quan”; “Tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật trong xây dựng và thực hiện các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” và “Nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH của các cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng”, dự án đã tác động mạnh mẽ đến từ nhận thức, cách làm, phương pháp luận phù hợp với từng địa phương trong ứng phó với BĐKH.
Được thực hiện thí điểm tại hai địa phương đặc thù là Quảng Ngãi (đại diện vùng ven biển) và Lai Châu (đại diện các tỉnh khu vực miền núi), chương trình đào tạo Nâng cao năng lực thể chế về ứng phó với BĐKH đã giúp các cán bộ các tỉnh từ cấp sở ngành đến huyện, thị xã những kiến thức cơ bản về BĐKH như: BĐKH toàn cầu và ở Việt Nam; Kịch bản BĐKH của Việt Nam; Tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và các giải pháp ứng phó; Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; Tích hợp vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH; mô phỏng ứng phó với BĐKH, tích hợp vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Tại khóa đào tạo này, các học viên được trang bị các kiến thức về BĐKH như: Phân biệt được các khái niệm về BĐKH, biểu hiện của BĐKH, tác động của BĐKH, các kịch bản phát thải khí nhà kính, dự tính BĐKH toàn cầu, khu vực và kịch bản BĐKH cho Việt Nam và kịch bản BĐKH đối với tỉnh Lai Châu, Quảng Ngãi… Ngoài ra, các bài tập đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH sẽ giúp các học viên nhận định được tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực tại địa phương và hiểu được mối quan hệ giữa tác động của BĐKH và biện pháp ứng phó.
Nói về hiệu quả của chương trình nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu, cho biết: Hầu hết cán bộ làm công tác quản lý BĐKH còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khả năng lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành còn hạn chế. “Những khóa đào tạo như thế này là dịp rất quan trọng để đội ngũ cán bộ lãnh đạo sở ngành, địa phương hiểu hơn, nắm rõ hơn các kiến thức về BĐKH” - ông Nguyễn Văn Sáu nói.
Mong muốn nhân rộng mô hình
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để ứng phó với BĐKH, trong giai đoạn từ nay đến 2020, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; chủ động ứng phó với thiên tai; ngập úng; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; tăng cường năng lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách hành chính về BĐKH; đồng thời huy động sự tham gia của người dân, cùng chung tay ứng phó với BĐKH.
Ở góc độ các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành đều mong muốn được đào tạo nâng cao năng lực về ứng phó với BĐKH để áp dụng vào thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị Chính phủ, với các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm, đào tạo đến cán bộ cơ sở (cấp xã, phường) thậm chí đến cả thôn ấp vì chính họ mới là những người cầm tay chỉ việc cho đồng bào trong ứng phó với BĐKH.
Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai chương trình nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH như thế nào? Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giúp các địa phương tiếp tục đánh giá hiệu quả của các hoạt động BĐKH. Trên cơ sở đấy đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện sao cho tương thích với kịch bản BĐKH trong thời gian tới. Có thể kịch bản thích ứng có thể sẽ thay đổi thì chúng tôi sẽ hướng dẫn các địa phương có những hành động thích ứng thế nào cho phù hợp”.
“Qua thực tế tìm hiểu, không chỉ Quảng Ngãi, Lai Châu mà hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều mong muốn mở rộng chương trình nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH. Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH cũng đang đề xuất thêm với UNDP để mở rộng hỗ trợ. Các địa phương đều mong muốn mở rộng việc đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về BĐKH cũng như phương pháp, cách lồng ghép kế hoạch ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch ứng phó BĐKH. Người ta muốn đào tạo, chuyển giao kiến thức đấy mở rộng đến cấp xã...” - ông Nguyễn Văn Tuệ nói.
Hải Ngọc - Châu Tuấn