Các nhà mạng di động cũng “tái cấu trúc”

Các nhà mạng di động cũng “tái cấu trúc”

Thời gian gần đây, liên tiếp có những sự kiện hết sức quan trọng với thị trường viễn thông di động Việt Nam: Beeline Việt Nam được rót vốn; EVN Telecom phải… rao bán mình; Viettel và Hanoi Telecom muốn mua lại EVN Telecom; VinaPhone và MobiFone vẫn đang nằm trong vòng tái cơ cấu của VNPT với những câu hỏi lớn: khi nào sẽ cổ phần hóa? có sáp nhập chung?... Phải chăng thị trường di động Việt Nam bắt đầu có thay đổi lớn, sau một thời gian dài im ắng.

Mua bán - Sáp nhập

Câu chuyện sáp nhập các mạng di động ở Việt Nam đã được nói đến từ khá lâu. Với một thị trường có đến 7 mạng di động đang hoạt động như hiện nay (chưa tính mạng di động ảo của Đông Dương Telecom đã được cấp phép, nhưng chưa hoạt động), các chuyên gia đều khẳng định là quá nhiều. Con số hợp lý chỉ nên 3 - 4 nhà mạng. Vì thế, theo sự phát triển của thị trường, sự mua bán, sáp nhập các mạng di động ở Việt Nam là một xu thế tất yếu.

Ở thời điểm này, không có gì phải bàn cãi khi EVN Telecom đứng đầu danh sách các mạng di động phải tính chuyện sáp nhập, bởi kinh doanh thua lỗ kéo dài, trở thành con nợ lớn của thị trường viễn thông Việt Nam. Và trong khoảng nửa tháng qua, chuyện EVN Telecom được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “bán nợ” đã thành hiện thực với việc Viettel đang lên kế hoạch sáp nhập EVN Telecom, trong khi Hanoi Telecom (chủ quản mạng di động Vietnamobile) đang xin phép mua lại băng tần và hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom. Câu chuyện này chưa ngã ngũ vì đang đợi ý kiến Chính phủ, nhưng có thể khẳng định, ngay trong năm 2011 này, thị trường di động Việt Nam sẽ chỉ còn 6 mạng hoạt động.

Chọn mua sim điện thoại di động. Ảnh: KIM NGÂN

Chọn mua sim điện thoại di động. Ảnh: KIM NGÂN

Chuyện của EVN Telecom được coi như phát súng đầu tiên cho việc “mua bán - sáp nhập” ở thị trường dịch vụ di động Việt Nam. Bản thân Tập đoàn VNPT hồi giữa năm nay cũng đã rộ lên chuyện có thể sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone lại thành một, vì theo Nghị định 25, mỗi doanh nghiệp (ở đây là VNPT) không thể đồng sở hữu 2 mạng di động khác nhau, nếu có, chỉ được phép nắm không quá 20% cổ phần của 1 trong 2 mạng di động đó.

Vấn đề này vẫn bỏ ngỏ vì VNPT đang thực hiện tái cơ cấu lại mô hình hoạt động của mình và Bộ TT-TT cũng như Chính phủ đang xem xét những vấn đề liên quan, bởi dù sao đây cũng là doanh nghiệp nhà nước và cả 2 mạng di động đó đều thuộc sở hữu nhà nước.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), Luật Viễn thông cho phép mọi thành phần tham gia vào thị trường viễn thông. Quá trình chia tách và sáp nhập là điều đương nhiên xảy ra. “Nhưng không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và yếu mới sáp nhập, chia tách mà phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp sẽ chọn hướng đi nào để phát triển. Để đảm bảo tính minh bạch, nhà nước cũng đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp” - ông Hải phân tích.

Một thị trường viễn thông rất lớn là Trung Quốc đã diễn ra quá trình như vậy. Từ 6 nhà khai thác lúc đầu, bây giờ họ gộp lại còn 3 nhà khai thác, đây là một xu hướng tích hợp các loại hình dịch vụ cũng như sức mạnh tài chính và công nghệ. Nếu tách riêng thì tốn kém, việc tích hợp các dịch vụ trên các nền cố định và dịch vụ sẽ thuận tiện hơn. Đây cũng là vấn đề rất lớn và quan trọng trong thời gian tới của ngành viễn thông Việt Nam. Nghĩa là xu hướng sáp nhập các mạng viễn thông khó tránh khỏi ở Việt Nam trong tương lai gần.

Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng, trong vòng vài năm tới, sẽ chỉ còn 3 - 4 mạng di động ở Việt Nam.   

Cửa nào cho các mạng nhỏ?

Khi câu chuyện sáp nhập diễn ra, ngoài 3 mạng di động lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone, một câu hỏi đặt ra: Các mạng di động nhỏ sẽ như thế nào? EVN Telecom coi như đã xong, nhưng còn Beeline, Vietnamobile và S-Fone. Liệu những mạng này tiếp tục tồn tại hay cũng phải theo làn sóng “mua bán - sáp nhập”? Nếu Beeline và Vietnamobile đang có những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn, thì S-Fone có thể nói đang rất khó khăn.

Vào tháng 6 vừa rồi, Beeline đã tái cơ cấu chiến lược kinh doanh và công bố khoản đầu tư mới từ Tập đoàn VimpelCom (Nga). Theo đó, VimpelCom đã quyết định đầu tư thêm 500 triệu USD từ nay đến hết năm 2013 vào Liên doanh GTEL-Mobile. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL-Mobile từ 40% lên 49%. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTEL-Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định, cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền.

Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã được thực hiện trước đó.

Hiện Beeline đặt mục tiêu sẽ dẫn đầu phân khúc thị trường dành cho các mạng di động nhỏ, xếp thứ 4 sau 3 mạng lớn nói trên. Với Vietnamobile, họ đã xin phép Chính phủ mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom. Ông Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Hanoi Telecom, cho biết, hiện nay phía Hutchison (Hồng Công, Trung Quốc) đã đầu tư 880 triệu USD và họ đang có kế hoạch đầu tư tiếp lên 1,1 tỷ USD trong năm tới đối với mạng Vietnamobile.

Vì thế, liên doanh này sẵn sàng bỏ tiền mặt để mua lại cổ phần của EVN Telecom như đã nói trên nhằm phục vụ chiến lược phát triển dài hơi của mình. Như vậy, cả Beeline và Vietnamobile đều quyết tâm bám trụ tại thị trường di động Việt Nam. Nhưng đó là kinh doanh thuận lợi, còn khi các đối tác nước ngoài rút vốn, cả 2 mạng này khó xoay xở được.

Cùng sử dụng công nghệ CDMA và làm ăn thua lỗ kéo dài như nhau, nhưng nếu như hiện nay, EVN Telecom đã quyết định được số phận của mình, ngược lại S-Fone vẫn chưa tìm được hướng đi. Sau khi SKTelecom (Hàn Quốc) rút khỏi liên doanh, S-Fone đã cố gắng duy trì hoạt động và có thêm những nhà đầu tư mới ở Việt Nam. Thế nhưng, tốc độ phát triển thuê bao cũng như hiệu quả kinh doanh vẫn không mấy sáng sủa, kể cả khi đã thay tổng giám đốc.

Bản thân mạng S-Fone cũng đang có thông tin cho rằng sẽ chuyển từ công nghệ CDMA sang GSM, nhằm tìm kiếm hướng phát triển mới. Cũng như EVN Telecom, nhiều nguồn tin cho hay, S-Fone cũng đã từng “rao bán mình” nhưng chưa thực hiện được. Phải chăng sau EVN Telecom, S-Fone sẽ là mạng di động thứ 2 ở Việt Nam sẽ sáp nhập vào một mạng di động khác ở Việt Nam? Có lẽ điều đó khó tránh khỏi trước làn sóng “mua bán - sáp nhập” bắt đầu xuất hiện ngày càng rõ ràng ở thị trường di động Việt Nam hiện nay. Mạng nhỏ, thuê bao ít, làm ăn thua lỗ, không có vốn bổ sung sẽ bị những mạng lớn thôn tính.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục