Đừng vin vào cớ quy định của pháp luật
Bộ VH-TT-DL đang đối mặt với nhiều vướng mắc trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói rõ, trong việc làm văn bản, cần phải chú trọng tới hiệu quả và đặc biệt là tiến độ. Không phải cứ đề ra công việc rồi khi nào hoàn thành thì hoàn thành...
Ông cũng thừa nhận, có hiện tượng cố gắng ban hành văn bản nhưng có những văn bản ban hành xong thành “lố” vì không theo kịp thực tế cuộc sống. “Phải chấm dứt hiện tượng này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Dẫn chứng cụ thể hơn chính là việc xét hiệu danh hiệu nghệ sĩ. “Việc xét tặng NSƯT, NSND đã nhiều lần rồi, nhưng lần này vẫn tiếp tục xảy ra nhiều vấn đề. Quy định của Nhà nước là thế, nhưng đây là vấn đề liên quan tới nghệ sĩ, vì thế cần phải giải quyết vướng mắc sao cho vừa đảm bảo quy định nhưng cũng linh hoạt nhìn nhận những điều cứng nhắc, chưa phù hợp với cuộc sống để đề xuất sửa đổi”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Đối với các nghị định cũng vậy, cần phải tính đến các trường hợp đặc biệt thì xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, không thể cứng nhắc, vì nhiều trường hợp không lường hết được. Nhắc lại trường hợp xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) gần đây khiến dư luận lên tiếng, như trường hợp nhà thơ Thu Bồn, Xuân Quỳnh… có đóng góp lớn cho VHNT nước nhà, nhưng vì không có giải thưởng mà bị loại hồ sơ ra khỏi danh sách xét tặng, người đứng đầu Bộ VH-TT-DL cho đây là một bài học lớn về việc làm văn bản chưa gần gũi với thực tiễn.
Theo bộ trưởng, vì văn bản xa rời cuộc sống nên khi vướng mắc xảy ra, không giải quyết được mà vin cớ vào quy định của pháp luật.
“Chúng ta là người tham mưu cho Chính phủ, đó là bài học của thực tiễn hôm nay trong công tác xây dựng văn bản pháp luật không cứng nhắc”, ông nói.
Liên quan tới việc một số nghệ sĩ cải lương nổi tiếng miền Nam và cả nước không đủ 90% số phiếu của Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước và không có mặt trong danh sách được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cần phải xử lý các tình huống thực tế, không thể để lý do không có giải thưởng nên thua cả những người trẻ, chỉ vì quy định cứng nhắc.
Đề xuất hướng giải quyết từng trường hợp đặc biệt
Bên lề hội nghị, việc Sở VH-TT TPHCM có văn bản đề nghị Trung ương xem xét, đặc cách việc phong tặng danh hiệu NSND đối với 3 nghệ sĩ lão thành tài danh là Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu - những người đã có nhiều cống hiến nhưng không đủ số lượng huy chương nên bị trượt trong đợt phong tặng vừa qua, cũng được đưa ra bàn luận.
Sở VH-TT TPHCM đề nghị đặc cách xét tặng danh hiệu NSND cho NSƯT Minh Vương - một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Ảnh: VÂN AN
Bày tỏ sự tiếc nuối khi thấy kết quả của hội đồng là các nghệ sĩ này chưa đạt được 90% số phiếu, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh nói: “Các nghệ sĩ ấy đã nổi tiếng trước cả khi tôi vào nghề. Cá nhân tôi luôn ủng hộ việc tôn vinh các nghệ sĩ”.
Lãnh đạo cục cũng cho rằng, dù Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước làm không sai, nhưng cần có những quy định phù hợp, linh hoạt hơn với hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Cũng liên quan tới các trường hợp này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Sau khi nhận được ý kiến, chúng tôi nghiên cứu và mời hội đồng để báo cáo về những ý kiến phản hồi liên quan tới các trường hợp xét tặng cụ thể. Trên cơ sở đó, nghiên cứu và xem xét nghiêm túc để có đề xuất phù hợp”.
Trả lời câu hỏi về những lo lắng, việc bỏ phiếu hay xem xét lại có thể tạo nên các tiền lệ xấu khi cứ “trượt là thắc mắc, khiếu kiện”, lãnh đạo ngành văn hóa khẳng định: “Câu chuyện thắc mắc, phản hồi luôn xảy ra và chúng ta không nên sợ chuyện đó. Khi đưa danh sách lên web xin ý kiến của nhân dân cũng đồng nghĩa với việc sẽ tiếp thu nhiều phản hồi khác nhau. Trên cơ sở tổng hợp những đóng góp, chúng tôi sẽ xem xét những ý kiến này có đúng hay không. Việc có nhiều ý kiến trái chiều là bình thường. Vấn đề là phải nghiêm túc, cầu thị tiếp thu thấu đáo, công tâm, khách quan từng trường hợp và xin ý kiến hội đồng. Có những trường hợp phải xin ý kiến Chính phủ. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn”.