Các trường học tại TPHCM - Thiếu sân bãi giáo dục thể chất

Thiếu sân bãi, quỹ đất hạn hẹp
Các trường học tại TPHCM - Thiếu sân bãi giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất (GDTC) ở trường học đóng vai trò rất quan trọng, nó không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, trí tuệ, phát triển thể trạng một cách toàn diện mà còn là nền tảng để xây dựng nền thể thao nước nhà mạnh mẽ. Tuy nhiên, sân bãi dành cho các hoạt động thể thao, hoạt động ngoài trời của học sinh còn quá khiêm tốn.

Học sinh Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM đang tập thể dục tại sân trường. (Ảnh minh họa)

Học sinh Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM đang tập thể dục tại sân trường. (Ảnh minh họa)

Thiếu sân bãi, quỹ đất hạn hẹp

Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành GD-ĐT TPHCM trong mấy năm qua về việc xây dựng, phối kết hợp và thực hiện các kế hoạch hành động với các sở, ban ngành liên quan (nhất là Sở VHTT-DL) để khắc phục những hạn chế về quy mô sân bãi, không gian hoạt động GDTC tại các trường học.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, những hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất mang tính lịch sử và tính địa phương… đến nay khá nhiều trường học trên địa bàn TPHCM vẫn chưa đảm bảo được sân chơi GDTC cho học sinh.

Tìm hiểu về thực trạng trên tại các trường ở TPHCM, chúng tôi dễ dàng ghi nhận hàng loạt các trường (từ trung tâm đến vùng ven) vì quá chật hẹp nên phải đưa học sinh ra ngoài công viên, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu, vui chơi và thực hiện các hoạt động thể chất, thể thao. Thực tế, nhiều trường vì quỹ đất quá hạn hẹp, chỗ học thậm chí còn thiếu nên việc đòi hỏi có sân chơi cho học sinh gần như là điều xa xỉ. Học sinh tại các trường ấy ngoài việc bó gối trong lớp học chật chội thì giờ ra chơi cũng chẳng có chỗ nào khác là luẩn quẩn trong lớp, ngoài hành lang.

Hiệu trưởng một trường TH ở quận 10 chia sẻ: “Nói đến chuyện này thì cũng bức xúc lắm. Nhưng nói mãi, đề xuất mãi mà chẳng thấy thay đổi nên thôi. Trường chúng tôi quá nhỏ, chật chội. Không gian hoạt động cho các cháu học sinh, điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ cũng không thật yên tâm. Tuy nhiên, vì quận khó khăn về quỹ đất, nhu cầu học tập của học sinh cao nên nhiều năm nay chúng tôi vẫn phải dạy và học trong cái trường bé như hộp quẹt này.

Trao đổi về thực tế nhiều trường hiện không đảm bảo quy định sân chơi thể chất cho học sinh, ông Lê Văn Quan, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (phụ trách mảng TDTT học đường) Sở GD-ĐT TPHCM, chia sẻ: Toàn TP chúng tôi có 931 trường (từ TH đến THPT) với 2.534 GV TDTT (172 GV bán chuyên trách). Trong tổng số 931 trường, chúng tôi có khoảng 40 trường có nhà thi đấu, nhà tập đa năng (khu tập luyện thể thao) cho học sinh, 20 trường có hồ bơi và sân bóng đá mini.

Tuy nhiên, những con số trên nếu xét trên thực tế quy mô học sinh hơn 1 triệu em thì không thấm vào đâu. Trong các đợt kiểm tra, chúng tôi đều thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu các trường phải tìm ra giải pháp để khắc phục những hạn chế này. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường cần chủ động tạo sân chơi cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa để khắc phục thiệt thòi cho các em.

Chưa đạt mục tiêu giáo dục toàn diện

Ông Tăng Bá Lễ, Trưởng phòng Thể thao cộng đồng, Sở VHTT-DL TPHCM, cho biết: Điều kiện sân bãi thể thao, khu vui chơi tại TPHCM hiện nay vẫn đang quá thiếu so với nhu cầu thực tế của người dân (chỉ có trên 19 điểm vui chơi giải trí - công viên lớn, cùng 24 trung tâm thể thao tuyến quận huyện cho 1,7 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12-16). Tuy nhiên, trước những khó khăn thực tế của ngành giáo dục, các trường, chúng tôi cũng thường xuyên làm việc và ký liên tịch 5 năm một lần với Sở GD-ĐT nhằm giúp ngành cùng các trường có thêm điều kiện sân bãi cho học sinh hoạt động GDTC, rèn luyện thể thao.

Ngoài việc yêu cầu các trung tâm văn hóa, thể thao tuyến quận, huyện hết sức tạo điều kiện cho các trường mượn, thuê mướn sân bãi, chúng tôi cũng thường xuyên tư vấn cho các quận, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa và xây dựng các trung tâm TDTT cho học sinh (Phú Nhuận đã làm xong).

Do còn quá thiếu điều kiện sân bãi vui chơi, không gian để rèn luyện GDTC, nhiều học sinh TPHCM đã tìm đến các hình thức giải trí tự phát (tắm sông, đá bóng vỉa hè) cũng như các hình thức giải trí mang tính công nghệ (game online, các trang mạng xã hội không lành mạnh) khiến tỷ lệ học sinh đạt tiêu chí học tập và rèn luyện thể chất một cách toàn diện chưa đạt tỷ lệ cao. Những trường có đủ điều kiện sân bãi thì các hình thức hoạt động GDTC vẫn còn quá đơn điệu, thiếu sinh động (chủ yếu các môn bóng bàn, bơi, thể dục dụng cụ) nên chưa thật sự thu hút được học sinh.

Theo ông Tăng Bá Lễ, chất lượng GDTC trong trường học còn thấp, nhận thức về vị trí, vai trò của GDTC còn nhiều hạn chế trong các cấp giáo dục và cơ sở trường. Đặc biệt, việc đánh giá chất lượng về sức khỏe về thể chất học sinh cho mục tiêu chung (giáo dục toàn diện) còn chưa tương xứng, thậm chí nhiều trường TH tại TPHCM đến nay mới chỉ đáp ứng được 3/4 nhu cầu GV TDTT so với nhu cầu.

Nguyễn Tiến

Tin cùng chuyên mục