Mặc dù đã tăng tốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng để chuẩn bị cho năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn TPHCM vẫn trong tình trạng căng thẳng trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp.
- Nơi chú trọng, nơi lơ là
Tại Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5), tất cả các phòng học, đồ chơi, vật dụng cho bé đã được lau chùi sạch sẽ bằng Chloramin B để đón năm học mới. Cô Lê Thị Lệ Vân, hiệu trưởng, cho biết giáo viên các lớp được phân công làm vệ sinh, khử khuẩn bằng Chloramin B đối với đồ chơi, phòng ốc. Ban giám hiệu trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, thường xuyên tuyên truyền phụ huynh học sinh cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Ngày 30-8, trung tâm y tế quận sẽ kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở các trường để chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Tại quận 8 đã từng xuất hiện dịch tay chân miệng ở 10 trường mầm non là Sơn Ca, Bông Hồng, Bông Sen, Kim Đồng, Tuổi Ngọc, Thỏ Ngọc, Tuổi Hoa, Tuổi Thơ, Vàng Anh, 19-5 nên việc vệ sinh trường học càng được chú trọng. Tất cả các trường đã kết thúc học hè trước 1 tháng để vệ sinh, sát khuẩn lớp học.
Có mặt tại Trường Mầm non 2 (quận Bình Thạnh) vào sáng 25-8, ghi nhận cho thấy tất cả bảng tin truyền thông sức khỏe đặt ở cổng ra vào và trước mỗi lớp học đều thiếu các thông tin về dịch bệnh tay chân miệng. Giải thích điều này, đại diện nhà trường cho biết đã phát tờ rơi phổ biến cách phòng chống dịch cho phụ huynh từ năm học trước. Hiện nay do chưa đến đầu năm học mới nên chưa triển khai công tác tuyên truyền.
Không ít trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình ở khu vực ven và ngoại thành như quận 12, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, công tác phòng chống dịch bệnh mới chỉ gói gọn ở việc phun xịt hóa chất khử khuẩn. Trong khi đó, phụ huynh lại đặt miền tin vào trường học. Anh Nguyễn Thanh có con đang học ở Trường Mẫu giáo Anh Thư (ấp Xóm Chùa xã Tân An Hội huyện Củ Chi) cho biết: “Cả xã hầu như không có cơ sở khám chữa bệnh nào, muốn chở con đến các bệnh viện lớn kiểm tra cũng mất đứt nửa ngày trời nên nếu phát hiện con bị sốt, nhẹ thì vẫn gửi ở trường, nặng gia đình mới đem về nhà chữa trị”.
- Không nên chủ quan
Mặc dù ngành y tế đã có quy định các trường không nhận giữ trẻ có biểu hiện sốt, nghi ngờ bệnh tay chân miệng nhưng trên thực tế nhiều trường vẫn phải linh động nhận giữ các cháu khi phụ huynh không cho biết lý do trẻ bị sốt. Cô Bùi Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3), cho biết: “Hiện trường vẫn đang tổ chức học hè, do số lượng trẻ đông với hơn 500 cháu nên nhà trường không thể kiểm tra thân nhiệt từng cháu. Chỉ sau khi vào lớp, nhân viên y tế mới đi kiểm tra sức khỏe từng cháu. Qua chẩn đoán lâm sàng, nếu phát hiện cháu nào có biểu hiện bệnh tay chân miệng mới liên lạc với phụ huynh, yêu cầu đưa trẻ về nhà chăm sóc, chữa trị”.
Bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy quận 8, cho biết: “Khối trường học hiện nay đã được hướng dẫn kỹ càng và thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất vẫn là ý thức phòng bệnh của người dân. Khi đi thực tế kiểm tra tại các vùng dịch, bà con ở khu vực này hiểu được sự nguy hiểm, biết cách phòng ngừa nhưng từ biết tới làm còn rất xa. Tâm lý nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, nghĩ rằng bệnh còn ở đâu đó chứ không phải trong nhà mình, rằng đây là việc của các trường, các bệnh viện. Chính vì vậy mà gia đình, khu phố cũng cần phải tăng cường vệ sinh, phòng chống dịch bệnh”.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen (quận Phú Nhuận), khẳng định, để chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch bệnh trước năm học mới, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, nhà trường phải đẩy mạnh việc kêu gọi hợp tác từ phía phụ huynh. “Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đã phát hiện đều xuất phát từ gia đình hoặc ở những nơi vui chơi, giải trí như công viên, hồ bơi, nhà sách... Do đó, nếu phụ huynh phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng chống, phát hiện sớm các biểu hiện bệnh sẽ hạn chế đến mức tối đa nguy cơ hình thành các ổ dịch”, cô Kim Loan nhấn mạnh.
|
LÊ LINH - THU TÂM