Các trường ngoài công lập lại “ngồi trên lửa”

Phấp phổng chờ... thí sinh
Các trường ngoài công lập lại “ngồi trên lửa”

Liên tiếp mấy mùa tuyển sinh gần đây, các trường ngoài công lập (NCL) rất chật vật trong tuyển sinh vì thiếu nguồn tuyển. Năm nay đại diện các trường NCL lại lên tiếng tiếp tục kiến nghị Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn để các trường dễ bề tuyển sinh hơn. Nhưng kiến nghị này khó được Bộ GD-ĐT chấp nhận vì bộ coi điểm sàn là ngưỡng kiến thức tối thiểu để vào đại học. Đặc biệt, năm nay, với thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh là bộ cho phép các trường được xét tuyển nhiều lần, chắc chắn sẽ dẫn đến cảnh các trường công lập “vét” hết thí sinh đủ sàn, càng khó cho các trường NCL.

Sinh viên Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hành kỹ thuật điều dưỡng. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hành kỹ thuật điều dưỡng. Ảnh: Mai Hải

Phấp phổng chờ... thí sinh

Việc thí sinh chê trường NCL ngoài các lý do chính như uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của nhiều trường còn mờ nhạt thì một phần còn do vấn đề tài chính.

Học phí trường NCL bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với các trường công. Đơn cử như Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) có mức học phí gần như thấp nhất hệ thống các trường đại học NCL thì học phí hệ cao đẳng cũng đã là 400.000 đồng/tháng, hệ đại học là 500.000 đồng/tháng. Đây là trường hiện đang tuyển sinh chật vật nhất so với cả nước, mỗi năm tuyển được rất ít thí sinh vào học. Trường xác định lỗ để thu hút thí sinh, tuy vậy mức học phí này so với nhiều trường công lập vẫn là cao. Trong khi đó, học phí của các trường NCL có tiếng như FPT, Hoa Sen... thì cao chót vót, không phải thí sinh nào cũng có tiền theo học. Cộng với tâm lý chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường NCL, việc thí sinh không hào hứng với trường tư là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT cho phép các trường được xét tuyển nhiều lần như năm 2012 này, các trường NCL càng ở thế “khó càng khó hơn”, vì chắc chắn các trường công sẽ hút hết thí sinh về mình. Hiện nay, tâm lý “ngồi trên chảo lửa” đã đè nặng khá nhiều trường NCL. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho biết, việc bộ cho các trường xét tuyển nhiều lần đã đẩy các trường tư vào thế khó. Hai trường có chất lượng ngang nhau, nhưng học phí trường công chỉ bằng 2/3 trường tư, đương nhiên thí sinh sẽ chọn trường công. Đó là chưa kể, tâm lý người dân thường sính trường công hơn nên việc các trường tư phải chịu lép vế là điều chắc chắn.

Ngoài ra, hiện nay tỉnh nào cũng có 3 - 4 trường đại học, nhưng trong số đó chỉ có một trường tư nên trường tư càng khó tuyển sinh. “Việc các trường tư tuyển đủ được chỉ tiêu là rất khó. Đến lúc đó, trường sẽ không bảo đảm được các tiêu chí mà bộ đã đặt ra, trong đó có chỉ tiêu về số sinh viên/giảng viên, viễn cảnh đóng cửa trường không còn xa xôi nữa” - ông Trần Hữu Nghị lo lắng.

Sinh viên Khoa Công nghệ - quản lý môi trường ĐHDL Văn Lang (TPHCM) thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên Khoa Công nghệ - quản lý môi trường ĐHDL Văn Lang (TPHCM) thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên NCL cũng phải được hỗ trợ?

Trong tình cảnh này, bên cạnh việc kiến nghị đổi mới trong công tác tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL gần đây thể hiện quan điểm Nhà nước phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các trường ĐH-CĐ, kể cả công lập và NCL. Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL, hiện đang tồn tại sự thiếu công bằng trong đối xử của nhà nước với sinh viên. “Bởi vì cùng là một công dân, nếu tôi thi vào trường công lập thì được hưởng chi phí đào tạo 70% do nhà nước cấp, nhưng thi vào trường NCL phải nộp 100% học phí, thậm chí còn hơn. Riêng cái đó, đương nhiên học sinh sẽ lựa chọn trường công lập chẳng tội gì thi vào dân lập. Khi nào thí sinh rớt các trường công lập thì mới vào dân lập” - GS Trần Hồng Quân bày tỏ.

Cũng theo vị GS nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT này, việc học sinh vào học công lập không còn là sự lựa chọn của từng năm, mà đã tạo ra thói quen thích học công hơn học tư. Bởi xã hội luôn đánh giá rằng các trường NCL chất lượng thấp vì đầu vào lúc nào cũng thấp, kéo theo uy tín các trường NCL thấp xuống, và đó là sự cạnh tranh không bình đẳng. Vì vậy, thay mặt hiệp hội, GS Trần Hồng Quân đã đề nghị nhà nước có sự thay đổi về chính sách đối với sinh viên nói chung. Theo kết quả thống kê bước đầu, tỷ lệ sinh viên nghèo ở trường tư lớn hơn ở trường công, vì vậy chính sách của nhà nước cần phải bình đẳng cho cả sinh viên trường công và trường tư. Hiệp hội không có yêu cầu sự cào bằng là học kém đòi đối xử ngang hàng với người học giỏi. Nhưng những người có năng lực học như nhau thì phải được đối xử như nhau. Tất cả sinh viên dù học ở đâu cũng phải được nhà nước tài trợ như nhau trong quỹ ngân sách, điều đó mới công bằng vì tất cả sinh viên dù học ở môi trường nào thì đều tốt nghiệp phục vụ xã hội.

Không chỉ GS Trần Hồng Quân mà nhiều vị GS khác hiện đang đứng mũi chịu sào ở các trường NCL đều cho rằng, nhà nước chỉ nên tập trung nguồn lực tài trợ 100% vào một số trường đại học trọng điểm, những trường đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học lớn đào tạo các lĩnh vực phục vụ công ích, công quyền, phục vụ đối tượng chính sách. Còn lại nhà nước cần tài trợ bình đẳng như nhau giữa trường công và trường tư. “Nói vậy không có nghĩa là làm sai tinh thần xã hội hóa giáo dục, chúng ta vẫn huy động lực lượng ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng trường, nhưng không có nghĩa số đó lại gánh chi phí đào tạo.

Mặt khác, các trường ngoài công lập cũng cần được tự chủ nhiều hơn trong hoạt động của mình” - GS Trần Hồng Quân cho biết. Thực tế, hiện các trường ĐH NCL khá “ghen tị” với mô hình trường 100% đầu tư của nước ngoài, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài và tuân thủ pháp luật Việt Nam (đơn cử ĐH RMIT...). Các trường này được thực hiện cơ chế tự chủ rất cao và đang “làm ăn” khá thành đạt tại Việt Nam, mà các trường NCL Việt Nam không được như vậy.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục