Ngày 26-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị các trường THPT ngoài công lập. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục có cuộc bàn thảo dành riêng cho Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), hiệu trưởng các trường nhằm nhìn nhận, phân tích những đòi hỏi và yêu cầu bức thiết của hệ thống các trường ngoài công lập.
Chủ trương không phù hợp khiến các trường mất “thương hiệu”
“Điều chúng tôi cần là được đối xử công bằng trong thực tế chứ không phải chỉ thay đổi cái tên để giải quyết vấn đề. Hàng chục năm chúng tôi bỏ công sức mới tạo được thương hiệu cho trường, nhưng giờ lại bắt buộc chúng tôi phải thay đổi, bỏ tên trường tư thục, dân lập trong khi mọi cơ chế hoạt động và nội dung vẫn như cũ” - ông Trần Văn Kỳ Nam, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc Văn Sài Gòn, bày tỏ.
Ông Nam cho rằng, với việc “thay tên, đổi họ” thì ngành giáo dục đã không đảm bảo sự công bằng và không phân biệt đối xử công - tư. Ông dẫn chứng trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, các trường ngoài công lập đều bị hạn chế về số lượng học sinh tham gia, trong khi nhiều em rất có khả năng nhưng vì quy định này nên phải bỏ bớt. Như môn Hóa trường có đưa 5 em đi dự thi đều đoạt giải cả 5 em, điều này làm cho học sinh phần nào đó mất động lực học tập.
Ông Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Trường Hồng Đức, cũng cho rằng, việc áp dụng đổi tên này thực tế còn gây rất nhiều khó khăn cho các trường. Ông trần tình: “Chúng tôi phải đi đi về về không dưới 50 lần từ các sở, đến phòng, rồi đến đơn vị thuế… mới có được con dấu”. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định cứng nhắc bắt các trường phổ thông nhiều cấp học phải gắn thêm tiểu học, THCS, THPT sau tên trường cũng làm khó trường vì “nếu nói vậy thì ở bậc đại học, nhiều trường đào tạo đa cấp nhưng vẫn chỉ mang tên trường đại học, như vậy liệu có phù hợp hay không?”.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng chủ trương này không chỉ làm các trường đánh mất thương hiệu lâu nay để phân biệt đâu là trường công đâu là trường tư, bởi thực tế hiện nay đã có trường công và tư trùng tên như Trường Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến học sinh ở tỉnh cũng như thành phố không phân biệt được khi chọn trường để học.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM trong tổng số 85 trường ngoài công lập (chiếm 47% các trường phổ thông tại TPHCM) thì bên cạnh một số trường xây mới đạt chuẩn, vẫn còn nhiều trường ở trong hoàn cảnh tạm bợ thuê mướn. Thậm chí có trường thành lập đã 20 năm nay nhưng vẫn chưa làm đúng cam kết ban đầu. Trong khi đó, khi thành lập, phần lớn các trường đều đưa ra một đề án “hoành tráng” cam kết bảo đảm chất lượng với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ cao.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 5 năm, các trường phải xây dựng cơ sở vật chất tương ứng với quy mô, như đề án ban đầu. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra 30 trường ngoài công lập vừa qua, chỉ có 4 trường có quyền sở hữu đất đai, các trường còn lại vẫn chưa thực hiện đúng cam kết, nhiều trường không có phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị dạy học không được trang bị theo đúng danh mục… như Trường Á Châu có 11 cơ sở dẫn đến việc tổ chức quản lý, điều hành không chặt chẽ, dạy không đúng tiến độ chương trình, không thực hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, một số trường không có sân chơi bãi tập, thư viện như Trường Đăng Khoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Duy Tân, Hồng Hà…
Mong mỏi có đất để xây trường
Bà Tô Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Nam Mỹ, cho biết: “Thực tế, chúng tôi cũng muốn đầu tư để có được ngôi trường theo đúng nghĩa trường ra trường, lớp ra lớp. Với quyết tâm này, bao nhiêu năm qua chúng tôi mòn mỏi tìm kiếm mua đất, thậm chí thuê đất khoảng 50 năm để xây trường, nhưng liên hệ bao nhiêu đơn vị đều không có kết quả. Quy hoạch đất nói dành cho giáo dục, nhưng thực tế có đến lượt chúng tôi đâu”.
Ngay cả khi các trường có được một cơ sở khang trang, muốn mở thêm cơ sở mới cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường cho biết để xin được đầu tư cơ sở mới phải mất 3 năm làm đề án, thủ tục, thậm chí bị nhiều quy định quá vô lý, chưa xây được cơ sở mới mà phòng giáo dục yêu cầu chúng tôi phải nộp danh sách giáo viên về phòng, yêu cầu này không thực tế chút nào.
“Mới xin đầu tư, chưa xây trường làm sao tuyển giáo viên mà có danh sách” - ông Phạm Thanh Tâm bức xúc nói. Nhiều ý kiến mong mỏi nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất để các trường xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giúp các trường tránh khỏi cảnh thuê mướn tạm bợ như hiện nay.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương chỉ đạo: “Các phòng giáo dục cần phải bỏ bớt những thủ tục không cần thiết để khuyến khích các trường mở rộng cơ sở đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng cam kết ban đầu, đặc biệt là đảm bảo về cơ sở vật chất, sắp tới sở sẽ kiểm tra, rà soát lại nếu không đảm bảo sẽ cho ngưng hoạt động. Đồng thời các trường phải nâng cao tỷ lệ giáo viên cơ hữu vì chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào đội ngũ giáo viên.
Ông Chương cũng đề nghị chủ tịch HĐQT các trường cần quan tâm hơn và chịu trách nhiệm đến từng hoạt động của nhà trường chứ không thể giao khoán hết cho hiệu trưởng để tránh tình trạng không thống nhất, dẫn đến mâu thuẫn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”.
| |
Lê Linh