Cái gốc của sự học

Mùa khai giảng năm học mới đã đến. Không khí tưng bừng phấn khởi tràn ngập hy vọng lan tỏa khắp mọi miền đất nước, từ gia  đình tới nhà trường. Bước vào năm học mới có thể xem như một sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời trẻ thơ và tuổi trẻ. Năm học mới sẽ mang lại kiến thức mới và sự trưởng thành. Gia đình, xã hội luôn đặc biệt quan tâm và hy vọng nhiều ở năm học mới.

Mùa khai giảng năm học mới đã đến. Không khí tưng bừng phấn khởi tràn ngập hy vọng lan tỏa khắp mọi miền đất nước, từ gia  đình tới nhà trường. Bước vào năm học mới có thể xem như một sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời trẻ thơ và tuổi trẻ. Năm học mới sẽ mang lại kiến thức mới và sự trưởng thành. Gia đình, xã hội luôn đặc biệt quan tâm và hy vọng nhiều ở năm học mới.

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đây cũng là một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong kho tàng truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam có kể lại rất nhiều tấm gương hiếu học. Cho đến nay, câu chuyện kể về một học trò nhà nghèo hàng đêm bắt đom đóm về làm đèn để học chữ luôn được truyền tụng lan tỏa trong xã hội. Học không chỉ là một nhu cầu, một yêu cầu bắt buộc, mà còn là hy vọng, là tương lai của con người, của xã hội, dân tộc.
Vậy cái gốc của sự học là gì?
 
Các nhà khoa học và hết thảy mọi người đều có tiếng nói chung: Cái gốc của học là học làm người. Đơn giản và sâu sắc như một chân lý. Người xưa nói: Dao có mài mới sắc. Suy ra, người có học mới khôn lớn trưởng thành. Và, cái sự khôn lớn trưởng thành của con người đã được quy định rõ ràng. Học để hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương đồng loại, để làm người có ích cho xã hội, cộng đồng. Nói tóm lại, học để làm người tốt, người có ích. Ca dao xưa có câu “Làm trai cho đáng nên trai; xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài yên”. Ở đây, chuẩn “có ích” được cụ thể hóa thành những việc có ích cho xã hội, cho đất nước, quê hương.

Để trở thành người tốt, người có ích, việc “đi học” không thể coi như một chuyến đi du lịch khám phá hay một sự dạo chơi tùy hứng. Học để biết phân biệt đúng, sai, tốt, xấu. Học để có dũng khí bảo vệ cái tốt, cái đúng; đấu tranh với cái sai trái, xấu xa. Học để loại bỏ thói ích kỷ nhỏ nhen, đố kỵ tầm thường để vươn tới cái cao thượng bao dung. Học để nhận ra “niềm vui của người khác cũng là niềm vui của mình”.

Học để thấy hạnh phúc trong việc chinh phục những đỉnh cao và cống hiến hết sức mình cho gia đình, quê hương, Tổ quốc. Học để thấy rõ được mối quan hệ giữa lợi ích và nghĩa vụ. Và, cuối cùng, ai cũng mong muốn trong sự học là học để lạc quan, vui vẻ về tinh thần và mạnh khỏe về thể chất.

Những năm qua, sự học ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Nỗ lực cải cách của ngành giáo dục là điều không thể phủ nhận. Hy vọng ở năm học mới này và những năm sau, cái gốc của sự học được bồi đắp, chăm sóc kỹ hơn, có kết quả cụ thể hơn.

TRẦN VĂN

Tin cùng chuyên mục