Những năm gần đây, ở TPHCM đã diễn ra tình trạng nhiều vỉa hè còn mới vẫn bị đào lên làm lại, các bồn cây dù xanh tốt vẫn bị đập bỏ, thay mới. Đó là chưa kể mỗi nơi làm một kiểu, các kế hoạch, chủ trương liên tục thay đổi, gây lãng phí tiền của.
Chơi sang vô lối
Đầu năm 2009, UBND quận 1 đồng loạt triển khai cải tạo vỉa hè trên hàng loạt tuyến đường ở khu vực trung tâm TP, với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng. Mặc dù gạch con sâu lót vỉa hè ở nhiều nơi còn khá tốt nhưng vẫn bị lật lên để cải tạo, thay mới bằng gạch terrazzo hoặc granite. Trong khi đó, gạch lát ở một số vỉa hè thuộc các tuyến đường như Mạc Đĩnh Chi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Đồng Khởi… mới được cải tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2005, đến nay vẫn còn giữ được độ sáng bóng, chỉ có vài chỗ bong tróc nhưng không đáng kể. Vậy mà toàn bộ số gạch đó đã bị đào lên, thay mới bằng gạch terrazzo.
Riêng vỉa hè ở một số tuyến đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại được cải tạo, thay mới bằng gạch granite. Đây là loại gạch có kinh phí đầu tư đắt hơn gấp đôi so với các loại gạch thông thường, mặt khác, do kích thước bề mặt lớn nên chịu lực kém, viên gạch dễ bị bể vụn khi phải chịu tải trọng vượt quá mức cho phép.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Chúc, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng từ trước đến nay, tất cả các vỉa hè trên địa bàn quận đều được đầu tư theo kiểu “chắp vá”, hư đâu sửa đó, gây ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan của TP. Do đó, sau khi cân nhắc, UBND quận 1 đã thống nhất phương án cải tạo mới 100% vỉa hè trên khoảng 90 tuyến đường thuộc địa bàn quận, chấp nhận tốn kém để đổi lấy bộ mặt đô thị khang trang hơn. Tuy nhiên, quyết định này ngay lập tức đã nhận nhiều phản đối gay gắt của dư luận.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè đồng loạt như hiện nay là chưa cần thiết. Bên cạnh đó, loại gạch terrazzo mới được thay thế không có khả năng thấm hút nước tốt, khiến tình trạng ngập lụt ở TPHCM thêm trầm trọng và làm sụt giảm đáng kể mực nước ngầm của TP. Hơn nữa, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, đến nay loại gạch mới thay đã bắt đầu xỉn màu, bong tróc…
Mặt khác, trong quá trình chỉnh trang, cải tạo, các bồn cây trồng dọc theo hai bên vỉa hè cũng bị đập bỏ một cách không thương tiếc. Mặc dầu trước đó chưa lâu, cuối năm 2005, Công ty Công viên cây xanh TP đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để cải tạo 2.653 bó vỉa cây xanh trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ... Riêng vỉa hè trên đường Tú Xương (quận 3), có khoảng 90 bồn cây được trồng mới từ năm 2007, hiện nay còn xanh tốt nhưng vẫn bị đập ra, thay mới một cách lãng phí.
Quản lý thiếu đồng bộ
Hiện nay, việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè ở TPHCM được giao hẳn trách nhiệm cho các phường, quận thực hiện độc lập, tùy theo khả năng và điều kiện kinh tế mỗi nơi. Do đó, không thể tránh khỏi tình trạng trên cùng một tuyến đường, gạch lát vỉa hè thuộc địa bàn phường, quận này không đồng nhất về màu sắc và chất liệu với gạch lát ở phường, quận kia, gây ảnh hưởng chung đến mỹ quan của TP.
Dàn nhạc thiếu nhạc trưởng nên không còn sự liên kết, các đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ một cách rời rạc, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Phải đến khi xuất hiện nhiều ý kiến phản biện, cuối năm 2009, Sở Giao thông Vận tải TPHCM mới ban hành quyết định ngừng thi công các dự án cải tạo vỉa hè đang được triển khai trên địa bàn TPHCM, yêu cầu các địa phương rà soát lại mẫu thiết kế, đồng thời ban hành các quy định chung đối với việc chỉnh trang, cải tạo. Quyết định đưa ra tuy có hơi muộn nhưng đã phần nào giải quyết được nạn “loạn vỉa hè” suốt thời gian dài ở TPHCM.
Mặt khác, theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, việc đầu tư và cải tạo vỉa hè ở TPHCM hiện nay còn thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa các đơn vị giao thông vận tải, điện lực và viễn thông. Từ đó dẫn đến tình trạng ở một số tuyến đường, vỉa hè vừa mới được chỉnh trang, cải tạo đã bị đào lên để ngầm hóa hệ thống cáp điện. Rõ ràng vì thiếu phối hợp, tầm nhìn đã gây lãng phí lớn.
THU TÂM