Cải tiến hành chính công sẽ giảm khiếu nại, tố cáo

Trong 14 tháng qua, Trang chuyên đề Pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC) của Báo SGGP đã nhận được sự cộng tác đầy tâm huyết của nhiều cán bộ - công chức và người dân, góp phần đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật KN-TC theo Đề án 1-1133 đi vào chiều sâu. Xin trích giới thiệu ý kiến của một số bạn đọc góp ý cho việc cải tiến hành chính công để giảm KN-TC. 
Cải tiến hành chính công sẽ giảm khiếu nại, tố cáo

LTS: Trong 14 tháng qua, Trang chuyên đề Pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC) của Báo SGGP đã nhận được sự cộng tác đầy tâm huyết của nhiều cán bộ - công chức và người dân, góp phần đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật KN-TC theo Đề án 1-1133 đi vào chiều sâu. Xin trích giới thiệu ý kiến của một số bạn đọc góp ý cho việc cải tiến hành chính công để giảm KN-TC. 

Chấm dứt tình trạng chồng chéo, trùng lắp hồ sơ, giấy tờ

Có thể khẳng định công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ như tạo thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, hồ sơ, giấy tờ cho công dân, tổ chức. Đặc biệt, công tác cải tiến này đã góp phần rất lớn trong việc làm giảm sức ì của cán bộ, công chức, tạo động lực cho cả guồng máy các cơ quan hành chính hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp giấy tờ, thủ tục không cần thiết gây phiền hà, bức xúc cho người dân và phát sinh những KN-TC.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu không chỉ đơn giản hóa, liên thông giải quyết các TTHC, mà còn có thể gộp, liên kết các TTHC với nhau để giảm tải giấy tờ thủ tục. Mấu chốt của vấn đề này là người dân thực hiện chuỗi TTHC và nhận kết quả cuối cùng tương tự liên thông TTHC, nhưng có điểm khác cơ bản là người dân không chỉ thực hiện một TTHC với một kết quả, mà chỉ với một lần nộp, người dân thực hiện nhiều TTHC với nhiều kết quả cùng một lúc. Việc liên kết chuỗi TTHC để chấm dứt tình trạng chồng chéo, trùng lắp hồ sơ, giấy tờ là rất quan trọng và cấp bách, khắc phục nạn tiêu cực thiếu minh bạch, nhũng nhiễu gây mất lòng dân. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang tiếp, giải quyết khiếu nại của người dân tại Văn phòng Tiếp công dân TPHCM

PHẠM VĂN CHUNG (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum):

Ngăn chặn nạn “làm khó để ló ra tiền”

Mấy tuần qua nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã mở tiệc ăn mừng sự kiện Bộ trưởng Bộ Công thương ký bãi bỏ quy định trong Thông tư 37 về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Hiện nước ta có khoảng 6.000 DN dệt may. Một DN quy mô vừa và lớn tốn vài trăm triệu đến 2 - 3 tỷ đồng/năm cho kiểm tra hàm lượng formaldehyt; ước tính toàn ngành phải chi trả cho kiểm tra chuyên ngành tối thiểu 3.000 tỷ đồng/năm. Việc bãi bỏ quy định trên nghĩa là Bộ Công thương đã “cởi trói” cho DN trong kiểm tra hàm lượng formaldehyt mà lâu nay được ví như giấy phép con. Lúc trước, kiểm định tại Viện Dệt may thật nhiêu khê, hải quan vẫn làm thứ bảy và chủ nhật, nhưng viện lại nghỉ, nên hàng phải ùn tắc nằm chờ. Thông thường 17 giờ có kết quả kiểm nghiệm, gửi kết quả đến hải quan làm thủ tục thông quan, kéo dài đến 21 - 22 giờ hàng mới được ra khỏi cảng. Tình trạng mệt mỏi này bây giờ chắc chắn là được chấm dứt. DN không mừng sao được!

Mỗi ngày cả nước có ít nhất 600.000 giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính (TTHC). Theo cách thức truyền thống, người dân, DN phải đến trực tiếp gặp cán bộ giải quyết TTHC hoặc bộ phận một cửa để nghe hướng dẫn, sau đó lại trực tiếp đến gặp cán bộ giải quyết TTHC hoặc bộ phận một cửa để lấy kết quả. Người dân, DN phải bỏ nhiều công sức, chi phí đến cơ quan hành chính để giải quyết TTHC rồi lấy kết quả. Nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, người dân có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc ngồi tại nhà nộp hồ sơ cho cơ quan hành chính, bưu điện sẽ nhận trách nhiệm mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết TTHC, sau đó, bưu điện lại mang kết quả trả cho người dân. Dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện tiết kiệm rất nhiều chi phí, công sức cho xã hội.

TTHC là cần thiết nhưng chỉ ở mức vừa đủ để quản lý, nếu lạm dụng đẻ ra nhiều thủ tục sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tệ xin - cho, “làm khó để ló ra tiền”, là nguồn gốc của tham nhũng, mất lòng dân, làm nghèo đất nước.

Tiến sĩ DIỆP VĂN SƠN (TPHCM):

Thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân

Mặc dù đã có Luật Tiếp công dân và từng cơ quan hành chính công có trách nhiệm tuân thủ quy định về giờ làm việc, thế nhưng nhiều khi người dân vẫn bị phiền hà khi đến liên hệ cơ quan hành chính công mà gặp phải những cán bộ không thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân. Đảm đương nhiệm vụ tiếp công dân, nhưng có những cán bộ, nhất là lãnh đạo, cứ đủng đỉnh gần 9 giờ mới ngồi vào bàn làm việc. Khi đến cơ quan còn bận nhâm nhi ly cà phê, nghiền ngẫm các tin trên báo, mặc cho dân nôn nóng ngồi đợi; khi chưa hết giờ làm việc đã vội vàng hẹn dân ngày mai quay lại. Đó là lý do vì sao hồ sơ, đơn từ KN-TC của dân bị tồn đọng.

Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cao hơn cần phải xử lý mạnh tay đối với những cấp dưới có thái độ “biến giờ công thành... giờ ông”. Liều thuốc “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” dường như đã lờn khi trị các cán bộ, lãnh đạo quan liêu thoái hóa. Cần phải xử lý nghiêm để răn đe những cán bộ, lãnh đạo địa phương buông lơi trách nhiệm, lơ là việc tiếp công dân. Đó chính là cách hiệu quả để lập kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành chính công và lấy lại niềm tin của nhân dân, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết các KN-TC của công dân.

ĐẶNG TRUNG CÔNG (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục