Thị trường bất động sản (BĐS) chậm hồi phục, các sàn giao dịch BĐS vắng hoe khách hàng. Vậy mà gần đây tại TPHCM, trên các cột điện và điện thoại di động (ĐTDĐ) tràn ngập lời rao quảng cáo nhà đất đại hạ giá. Giao dịch BĐS chuyển từ sàn ra đường, được rao bán như mớ rau, con cá. Nhưng đằng sau những lời rao quảng cáo ấy có rất nhiều cạm bẫy.
Trên các cột điện dán đầy các quảng cáo bán nhà đất giá rẻ.
Rao bán bằng tờ rơi, áp phích, tin nhắn rác
Trái với cảnh đìu hiu, vắng vẻ tại những sàn giao dịch BĐS ở trung tâm TPHCM, ở các quận - huyện ven, thị trường BĐS đang được khuấy lên sôi động. Tại giao lộ trên các tuyến xa lộ Hà Nội, đường Trần Não (quận 2), Lê Văn Việt, Lò Lu, Nguyễn Xiển (quận 9), Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Linh Đông (Thủ Đức)… xuất hiện từng nhóm thanh niên mặc đồng phục, phát tờ rơi rao bán nhà đất, căn hộ. Những lúc đèn đỏ, nhân viên tiếp thị nhào ra đường, dúi tờ quảng cáo vào tay người đi xe máy. Những người không muốn nhận thì cũng bị nhét vào túi xách, giắt vào xe. Nhiều lúc đội quân tiếp thị còn chặn đầu xe, níu kéo mời chào bằng được người đi đường mua nhà đất.
Dọc theo nhiều tuyến đường, trên những cột điện, bờ tường, đến xe cơ giới thi công đang đậu bên đường cũng bị treo, dán các biển rao bán nhà đất. Nội dung quảng cáo thường chỉ mấy dòng: Bán đất ở trung tâm quận…, diện tích…, giá…, số điện thoại liên lạc... Chỉ một đoạn ngắn trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) đã thấy có đến hàng trăm bảng quảng cáo, treo la liệt trên cột điện, bờ tường đến cả cổng nhà ở, cơ sở sản xuất. Người dân nơi đây cho biết, hàng ngày có nhóm chạy xe máy, chở xấp giấy quảng cáo, cứ thấy có chỗ trống là móc hoặc dán vào. Nhiều người bị treo quảng cáo trước cửa nhà, đã lột bỏ thì ngay hôm sau lại thấy xuất hiện tấm quảng cáo mới.
Để rao bán nhà đất, những người môi giới còn tận dụng biện pháp dồn dập gửi tin nhắn rác đến ĐTDĐ của mọi người, mời chào mua nhà đất, không cần biết người nhận tin có nhu cầu hay không. Nhiều người dùng ĐTDĐ trở thành nạn nhân của dịch vụ nhắn tin rao bán nhà đất, mỗi ngày phải hai ba chục tin nhắn mời chào mua nhà đất. Bạn đọc Lê Bảo Trung bức xúc: “Sáng ngay, bật điện thoại lên đã thấy bực bội vì có cả chục tin nhắn rác nhảy vào, trong đó có quá nửa là mời mua căn hộ, nền đất giá rẻ. Nhắn tin rác chưa đủ, nhiều người môi giới còn gọi điện mời mua nhà đất, tham gia giới thiệu sản phẩm”.
Ai cũng phải khó chịu khi săn đón quá mức của những người môi giới, mua bán nhà đất. Các chủ đầu tư kinh doanh BĐS và các nhân viên môi giới ra sức chào mời khách hàng, đưa đi xem nhà đất, uống trà nước miễn phí và hứa hẹn khi mua nhà đất sẽ được tham gia bốc thăm trúng thưởng với mức thưởng ngoài sức tưởng tượng. Một người môi giới BĐS rao trên tin nhắn rác hứa hẹn: “Khách hàng chỉ cần thanh toán 10 triệu đồng mỗi tháng là được sở hữu ngay căn hộ mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (quận 8) giá 1 tỷ đồng, có đầy đủ tiện ích hồ bơi, trung tâm thương mại. Khách hàng mua căn hộ còn có cơ hội trúng thưởng xe hơi Ford và các đồ nội thất trị giá 50 triệu đồng”. Một người môi giới khác còn đưa ra lời hứa hẹn hấp dẫn hơn: “Khách hàng mua căn hộ tại quận Phú Nhuận, 2 mặt tiền, 3 phút đến sân bay, không chỉ được miễn quản lý phí năm đầu tiên mà có cơ hội trúng xe Audi 1,6 tỷ đồng”.
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua nhà đất, chúng tôi được người môi giới chở đi xem căn hộ, dự án nhà đất, không chỉ trong khu vực trung tâm TPHCM, mà còn đưa đến tham quan các dự án nhà ở tại vùng ven, đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… Thực chất sự tiếp đón ân cần chu đáo của nhiều chủ đầu tư và người môi giới chỉ để chiêu dụ khách hàng mua những sản phẩm nhà đất “có vấn đề”, không đúng như quảng bá, giới thiệu.
Đại họa sau khi mùa BĐS đại hạ giá
Trong thị trường BĐS đại hạ giá có những cạm bẫy, tai vạ khó lường. Trong thời gian gần đây, Báo SGGP tiếp nhận rất nhiều phản ánh của những người lỡ tin những lời mời chào ngon ngọt đã mua nhà đất đại hạ giá rồi “nếm quả đắng”. Thực tế cho thấy, hầu hết các lô đất nền đang rao bán với giá rẻ, chừng 150 - 200 triệu đồng do người có đất nông nghiệp tự chia lô đất trong vườn nhà. Các chủ đất đều cam kết là đất thổ cư, chính chủ, được cấp sổ hồng riêng và xây dựng nhà được ngay. Nhưng thực chất, đó là đất nông nghiệp, tuy nằm trong quy hoạch khu dân cư, nhưng để có các quyền nêu trên, người mua phải tự làm các thủ tục như chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư hạ tầng mới được tách thửa, sang tên riêng. Nhiều trường hợp pháp lý đất không rõ ràng, có tranh chấp, nên khách hàng đã trả tiền mua đất rồi lại không thể cất nhà để ở. Nhiều người mua đất ở phường Long Trường (quận 9) rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, nhà xây lên bị tháo dỡ do xây trái phép, không phép…
Nhiều người mua các căn hộ cũng gặp rắc rối không kém. Thông tin rao bán căn hộ gần quốc lộ 13 khá hấp dẫn: Khách hàng chỉ phải trả trước 150 triệu đồng là nhận căn hộ vào ở ngay. Khu cao ốc có đầy đủ tiện ích công viên, hồ bơi, siêu thị, khu cộng đồng hiện hữu. Nhưng khi đến quan sát thực tế và xác minh mới hay công trình xây dựng chưa xong, toàn bộ giấy tờ nhà đất của các căn hộ hình thành trong tương lai đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng để vay tiền.
Cũng có người đã lỡ ký hợp đồng mua căn hộ nhưng sau đó rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì sản phẩm không như rao bán. Diện tích căn hộ bị thu hẹp, các công trình tiện ích bị thay đổi công năng. Ông Trần Văn Thường, Phó ban quản trị chung cư Sunview (phường Tam Phú, quận Thủ Đức), cho biết tại chung cư này có gần 500 hộ dân mua căn hộ của Công ty Đất Xanh. Khi ký hợp đồng, chủ đầu tư bán diện tích căn hộ loại A 88,5m², loại B 73,5m², loại C 71m². Vậy nhưng, thực tế căn hộ loại A chỉ còn 82,3m², loại B 66,3m², loại C 63,4m². Theo đơn giá 10 triệu đồng/m², thì công ty đã lạm thu của khách hàng trên 32 tỷ đồng. Người dân yêu cầu trả lại tiền nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
Để không rơi vào cảnh tiền mất tật mang, người dân khi mua nhà đất nên cẩn trọng tìm hiểu kỹ, nhờ luật sư tư vấn hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
TRẦN YÊN