Cám cảnh đồng lương nhà giáo

Kết quả cuộc khảo sát ở 9 quận - huyện trên địa bàn TPHCM với gần 1.000 giáo viên tiểu học cho thấy: 37% giáo viên có mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng; 37% giáo viên thu nhập trên 6 triệu đồng. Bức tranh thu nhập này được nêu ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học TPHCM, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức vào ngày 11-12.

Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, mức thu nhập này có phần lý tưởng hơn so với giáo viên các tỉnh - thành khác, nhưng có đến gần 67% giáo viên cho rằng, thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình mình. Chỉ 39% giáo viên có nhà ở riêng; 51,5% giáo viên đang ở nhờ nhà bố mẹ. Chưa kể 23,3% giáo viên ít có điều kiện đi tham quan du lịch, nghỉ mát hàng năm để tái sản xuất sức lao động. Ngoài giờ dạy chính khóa, các giáo viên phải bươn chải để kiếm sống. 53,8% giáo viên phải dạy thêm để tăng thu nhập, một bộ phận còn lại có làm thêm nhưng công việc không gắn với chuyên môn. Nhưng ngay cả mức thu nhập của giáo viên tiểu học đạt đến 6 triệu đồng/tháng hoặc hơn nữa đều do dạy thêm hoặc bươn chải mới có được. Thật đau lòng khi so sánh rằng muốn làm thầy giáo phải học 4 năm đại học, vậy mà ra trường lãnh mức lương chỉ bằng anh bảo vệ, công nhân hoặc lao động chân tay không phải động não. Nếu đem so sánh với giáo viên bậc tiểu học ở các nước phát triển dao động ở mức 50.000 - 100.000USD/năm, mới thấy đồng lương ở ta sao bèo bọt, khó thể chấp nhận.

Thử hỏi, một khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu thì làm sao giáo viên có thể yên tâm đứng trên bục giảng và có đủ nhiệt huyết sáng tạo, thổi hồn vào từng bài giảng, chăm chút đến từng học trò như yêu cầu đặt ra? Phân tích, mổ xẻ thực tế về bài toán cơm áo gạo tiền và gánh nặng phải vượt qua để trụ với nghề, để lo toan cuộc sống, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị cần khởi động, tạo đột phá về cơ chế, chính sách cho giáo dục nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng trong ngành giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên tiểu học. Thực tế cho thấy việc duy trì chính sách tăng lương đến hẹn lại lên hoặc kèm theo giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua nhiều năm để được tăng lương trước thời hạn một năm với mức tăng vài trăm ngàn đồng là quá lạc hậu. Với chính sách đãi ngộ cào bằng và người giỏi, người có nhiều cống hiến cũng chỉ được xếp mức lương nhích hơn một chút thì không thể khuyến khích giáo viên dạy hết mình, mở hết tư duy, năng lực sáng tạo. Hơn nữa, ngành giáo dục cũng không thể thu hút sinh viên giỏi, người tài dấn thân vào sự nghiệp trồng người. Ngược lại, giáo dục tiểu học chỉ thu hút được sinh viên thường thường bậc trung vào ngành sư phạm và chúng ta sẽ tiếp tục trả giá về chất lượng giáo viên không đạt chuẩn, nhàng nhàng đầu ra này.

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó quan trọng là trang bị nền tảng kiến thức, nhân cách cho học sinh bậc tiểu học thì rất cần đội ngũ giáo viên tiểu học đạt chuẩn, có kỹ năng sư phạm, giỏi nghề. Không thể cứ hô hào đổi mới, sáng tạo vì học sinh thân yêu… là chúng ta sẽ đẩy con tàu giáo dục tăng tốc, hội nhập quốc tế như mong muốn. Để giáo viên tiểu học yên tâm, gắn bó với nghề, truyền lửa đam mê khám phá tri thức cho học sinh thì hãy trả lương, thu nhập xứng đáng cho họ hoặc ít nhất cũng ngang bằng ngành nghề khác trong xã hội. Đó là mong mỏi, là ước nguyện của tất cả những ai đã dấn thân vào nghề giáo.

HÀ VÂN

Tin cùng chuyên mục