Gần đây, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản tăng mạnh so với những tháng đầu năm khiến bữa ăn của từng gia đình giảm sút chất lượng. Cuộc sống nói chung của những người nội trợ, công chức, viên chức, sinh viên, công nhân, lao động ở TPHCM bị ảnh hưởng khiến họ lo lắng, tìm mọi cách tăng thêm thu nhập. Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến của họ và mong muốn các cơ quan chức năng tìm giải pháp ngăn chặn việc tăng giá vào dịp cuối năm.
Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG, nhà ở đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh: Lương tăng ít, giá tăng nhiều
Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 7-8 triệu đồng (kể cả tiền phụ cấp, làm thêm giờ). Chúng tôi có 2 đứa con ở độ tuổi 12-14, độ tuổi đang cần bổ sung nhiều dinh dưỡng để phát triển thể lực và trí não. Thế nhưng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, sữa, nông sản tăng liên tục khiến tôi phải giảm bớt khẩu phần sữa tươi lẫn thực phẩm tươi sống trong bữa ăn hàng ngày.
Có như thế, đồng lương công chức của vợ chồng tôi mới tạm đủ co kéo cho 30 ngày. Mặc dù TP đã có chương trình bình ổn giá, nhưng so với trước đây giá cả nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao và những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh (đạt tiêu chuẩn sạch)… đều tăng.
Chưa bao giờ chúng tôi - người tiêu dùng - lại cảm thấy âu lo, nếu không muốn nói là bất ổn như bây giờ, vì mặt hàng tiêu dùng nào cũng tăng thêm 10%-20% và các loại dịch vụ sinh hoạt ở TP cũng tăng theo khiến chất lượng cuộc sống của cán bộ công chức có thu nhập trung bình ngày càng đi xuống. Tôi nghĩ, sắp tới, dù lương tối thiểu dự kiến tăng lên 830.000 đồng/tháng, cũng không thấm vào đâu so với tốc độ tăng giá như hiện nay.
Anh TRẦN THANH PHƯỚC, giáo viên ở quận 12: Khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn vì lương thấp
Với thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng (kể cả tiền dạy thêm giờ), dù là người độc thân, tôi cũng cảm thấy khó khăn ở đô thị lớn như TPHCM. Nếu phải nuôi thêm vợ con, áp lực tài chính, lo toan cho cuộc sống ở mức trung bình đối với tôi cũng khá chật vật. Để có thể sống được giữa thời điểm tăng giá này tôi và nhiều giáo viên khác phải tìm cách làm thêm ngoài giờ lên lớp.
Làm như vậy tuy có thêm đồng ra đồng vào để cải thiện cuộc sống nhưng lương tâm, trách nhiệm của người thầy lại day dứt chúng tôi. Bởi lẽ lo làm thêm, dạy thêm kiếm tiền, chúng tôi không còn thời gian đầu tư cho bài giảng, nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức… Thật là khó nghĩ và khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: lương thấp + giá cả leo thang như bây giờ.
Chị VÕ THỊ TRANG, công nhân Công ty Điện tử An Đông: Công nhân ở tỉnh khó trụ lại TP
Chúng tôi quê ở các tỉnh miền Tây và miền Bắc, tìm vào TPHCM kiếm việc làm với mong muốn mưu sinh qua ngày. Mấy năm trước, với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/tháng, bọn tôi vẫn có thể tiết kiệm gởi về quê phụ giúp cha mẹ từ 500.000 đồng đến gần 1 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt. Còn bây giờ, thu nhập đã tăng lên 2.500.000 - 2.700.000 đồng/tháng (làm thêm, được khoảng 3 triệu đồng/tháng) nhưng công nhân chúng tôi hầu như không dư đồng nào vì chi phí nhà trọ, điện, nước, ăn, uống… đều tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với những năm trước.
Sắp tới, trong năm 2011, khi mức lương tối thiểu ở doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, giá cả, sinh hoạt phí ở nhà trọ, khu công nghiệp sẽ ăn theo, tăng thêm. Nhiều công nhân ở tỉnh trăn trở với suy nghĩ phải hồi hương về quê kiếm việc làm, dù đồng lương thấp hơn. Sống ở TP bây giờ căng thẳng, nặng nề quá. Nếu có gia đình, con cái thì làm sao nữ công nhân chúng tôi có thể trụ được.
Anh Nguyễn Quang Trung, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Nông Lâm TPHCM: Cầm cự khó khăn
Dù là con trai nhưng mỗi sáng đi chợ, tôi phải kỳ kèo mặc cả từng đồng một để tiết kiệm chi phí chi tiêu. Nhiều hôm thiếu tiền do cha mẹ dưới quê chưa gửi lên kịp, tôi phải nấn ná, chờ đến buổi chợ trưa để giá cả mềm và dễ trả giá hơn.
Trước đây, nếu như thịt, cá là những thức ăn xa xỉ, bữa cơm sinh viên đa phần chỉ độn rau, nay ngay cả rau nhiều hôm tôi cũng mua không nổi. Mới chưa đầy một tuần, nhiều loại rau như xà lách, rau muống, cải bắp, su hào… đã tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Trước đây chỉ cần mua hai bó rau muống, cả phòng 5 người có thể ăn thoải mái, thì nay với hơn 10.000 đồng/kg rau chỉ đủ 3 người ăn. Bên cạnh đó, hơn nửa tháng nay, gạo cũng tăng thêm 1.500 đồng/kg. Ngày thường túi tiền sinh viên vốn đã eo hẹp, nay gặp đợt tăng giá này càng khó khăn hơn.
Đặc biệt vào những ngày học hai buổi, không có thời gian đi chợ, nấu cơm vào buổi sáng, tôi phải ăn tạm ở các quán cơm gần trường. Giá một phần cơm sinh viên trước đây chỉ khoảng 13.000 - 15.000 đồng nhưng nay đã tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/phần khiến bài toán chi tiêu càng khó tìm lời giải.
Mới đầu tuần trước, chủ nhà trọ thông báo giá giữ xe ở nhà dưới sẽ tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/chiếc xe đạp và từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/xe máy. Tiền điện, nước sinh hoạt tuy chưa tăng nhưng cứ cách vài hôm lại nghe chủ hăm he phòng nào xài vượt quá chỉ tiêu sẽ phải trả gấp đôi. Ngay cả tiền phòng cũng chuẩn bị tăng thêm khoảng 150.000 đồng/người, ai không đồng ý phải tìm chỗ trọ mới.
Tiền ba mẹ ở quê gửi lên chỉ đủ trang trải khoảng 60% chi phí sinh hoạt nên hầu hết các bạn ở đây phải làm thêm đủ mọi nghề kiếm sống, từ phát tờ rơi, làm gia sư, bảo vệ cho các nhà hàng và trung tâm thương mại đến phục vụ bàn, giao nhận hàng… Nếu được phép nói bốn chữ về đời sống hiện tại, tôi sẽ nói “khó khăn” và “cầm cự”.
KHÁNH BÌNH - THU TÂM ghi