Cam kết cho tương lai

Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 tại Campuchia với lực lượng đông đảo nhất từ trước đến nay cho một kỳ đại hội bên ngoài lãnh thổ và không có gì bất ngờ khi chúng ta đặt chỉ tiêu cao với tham vọng duy trì vị trí tốp đầu khu vực, tiếp nối thành công lớn tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà hồi năm ngoái.
Cam kết cho tương lai

Thế nhưng, bài học về doping tại SEA Games 31 vẫn còn nóng hổi khi mà sắp tới đây, ngay trước thềm SEA Games 32, danh tính của các VĐV sử dụng chất cấm sẽ được công bố, bao gồm các VĐV Việt Nam. Điều đó chắc chắn tác động không nhỏ đến tâm lý của đoàn thể thao Việt Nam trong những ngày thi đấu tại Campuchia, nhưng cũng sẽ là cơ hội để chính các VĐV nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc nhận thức hời hợt và thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Trên tinh thần “trách nhiệm người đứng đầu”, Tổng cục TDTT đã có buổi gặp cuối cùng với các lãnh đội trong đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games để một lần nữa khẳng định mục tiêu “Nói không với sử dụng chất cấm trong thể thao”, yêu cầu tăng cường giám sát nhiều hơn, tuyên truyền nhiều hơn cho các VĐV về doping, tuyệt đối tránh trường hợp sử dụng mà không hiểu biết rõ về các loại thuốc. Đây là một động tác không thừa, khi SEA Games 32 được xem là kỳ đại hội có sự chuyển giao mạnh mẽ giữa các thế hệ VĐV, phát sinh nhiều môn thi đấu mới, nhiều đội thể thao mới và có nhiều VĐV lần đầu tham gia sự kiện quốc tế này. Thể thao Việt Nam có không ít trường hợp vướng doping khá đáng trách, nhưng thực tế vẫn tiếp tục xảy ra trong các hoàn cảnh khó ngờ nhất. Vì vậy, công tác phòng ngừa, giáo dục, tư vấn vẫn vô cùng quan trọng.

SEA Games 32 được đánh giá là thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao của Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta vừa khẳng định sức mạnh với vị trí toàn đoàn cùng nhiều thành tích kỷ lục tại SEA Games 31 nên chính thức chuyển sang giai đoạn “tấn công” vào những mục tiêu cao hơn, ở tầm vóc châu lục, đặc biệt là ở Asiad sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Thứ hai, SEA Games 32 là kỳ đại hội đầu tiên thể thao Việt Nam áp dụng một số mô hình mới trong quản lý và tham gia. Chúng ta ưu tiên sân chơi này cho các VĐV trẻ, xây dựng một đội ngũ mới theo hướng đầu tư trọng tâm sau khi một loạt ngôi sao không còn thi đấu, để lại lỗ hổng lớn tại các môn trọng điểm. Cũng vì lý do này mà yếu tố trong sạch, cao thượng càng được đề cao. Các VĐV trẻ không chỉ thi đấu nỗ lực để mang vinh quang về cho đất nước, mà còn phải giữ gìn các phẩm chất chuyên nghiệp để tạo đà cho các cuộc chinh phục lớn hơn. Nếu tại SEA Games chúng ta không thể thắng đẹp, thua sòng phẳng thì sẽ khó rèn luyện bản lĩnh cho các đấu trường lớn hơn.

SEA Games 32 diễn ra chỉ một năm sau SEA Games 31 và được xem là diễn ra trên “sân trung lập” khi Campuchia không phải là nền thể thao mạnh để đủ sức tranh chấp tốp 3 toàn đoàn. Chính vì thế, thể thao Việt Nam sẽ có một cuộc đấu quyết liệt hơn với các đoàn Thái Lan, Indonesia hay Malaysia nhằm phân định vị thế trong khu vực. Áp lực đó không nhỏ với các VĐV nhưng như đã nói, đây cũng là cơ hội để thể thao Việt Nam có thể tạo ra được một hình ảnh mạnh mẽ, thể hiện được sức mạnh vượt trội, xóa đi những hình ảnh không vui sau sự cố doping vừa qua. Hy vọng các VĐV Việt Nam một lần nữa sẽ chiến thắng bản thân, vượt qua đối thủ để mang niềm vui trọn vẹn đến người hâm mộ. Những gì diễn ra tại SEA Games 32 cũng sẽ là cam kết của thể thao Việt Nam với bạn bè khu vực trên tinh thần thể thao cao thượng

Tin cùng chuyên mục