(SGGPO). – Sáng nay, 14-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung chất vấn xoay quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý giá thuốc, y đức, tai biến y khoa...
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Nổi lên là vấn đề y đức, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) hỏi tiêu cực của công chức viên chức ngành y ai cũng thấy rõ, Bộ trưởng phát động “nói không với phong bì”, kết quả đến đâu?
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) chất vấn, một số cán bộ y tế trách nhiệm không tốt, trình độ chưa cao, gây nên nhiều sự cố trong ngành y, ảnh hưởng đến bệnh nhân. Việc đào tạo nhân lực ngành y hiện nay ra sao, liệu có hay không tình trạng đào tạo ồ ạt, không bảo đảm chất lượng?
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) gay gắt: “Tôi đã chất vấn về y đức kém, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân của các sự cố chủ yếu là do yếu tố khách quan. Tôi cho là do việc giáo dục, đào tạo không tính đến nghề đặc thù (nghề liên quan đến sinh mạng của con người).
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nói: “Có trưởng khoa của bệnh viện nói với tôi bệnh nhân ăn cơm từ thiện của nhà chùa còn tiền thì để đưa cho bác sĩ, rất đau lòng!”
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng chất vấn: “Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nêu việc khám chữa bệnh thực sự là ám ảnh đối với người dân. Từ đó đến nay Bộ trưởng đã chấn chỉnh như thế nào?.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) khẳng định, lót tay ở bệnh viện là chuyện thường ngày, ở hầu hết tất cả các khâu, nhiều trường hợp viện phí chỉ bằng ½ lệ phí? Tình trạng y bác sĩ thiếu tôn trọng đối với bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm Y tế, bệnh nhân nghèo là phổ biến, đôi khi là thái độ ban phát, không còn hình ảnh lương y như từ mẫu.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đạo đức của nghề y đòi hỏi cao hơn vì chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là lúc người ta bệnh tật. Đây là vấn đề ngành quan tâm, trăn trở, tìm nhiều giải pháp. ‘Tôi không phát động phong trào nói không với phong bì mà công đoàn y tế phát động. Trong Bộ có nhiều ý kiến không đồng ý khi công đoàn y tế phát động. Nhưng tôi không cản trở, hãy để xã hội mổ xẻ nỗi đau này để tìm cách giải quyết”, bà Tiến nói.
Nói về biểu hiện tiêu cực của y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho đó là thái độ về văn hóa, nhân cách, có từ thời bao cấp và văn hóa phong bì khá phổ biến ở ngành y tế là hình ảnh khó chấp nhận. “Nếu không có phong bì thì dù chỉ là kỹ thuật thay băng… cán bộ y tế mặt vẫn lạnh như tiền. Xếp hàng khám bệnh nếu trong sổ kẹp 50.000 thì được vào khám trước. Đây là thực tế thấy rõ, dù là không phổ biến nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến toàn ngành”, Bộ trưởng thừa nhận. Ngoài ra, tiêu cực y đức thể hiện ở việc bác sĩ nhận hoa hồng để kê đơn những thứ thuốc không cần thiết. “Ngành y cần cả y đức, y lý, y thuật, đòi hỏi bác sĩ phải học suốt đời, nhưng họ cũng bất lực, đau đớn đến tột độ nếu không cứu được bệnh nhân, nên nếu trình độ kém, y đức kém thì ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân”, bà Tiến nói.
Một nguyên nhân nữa là do quá tải, bác sĩ phải khám nhiều nên không thể hòa nhã nổi. Cơ sở chật chội, có những bệnh viện có phòng chỉ mấy mét, tất cả bác sĩ nam nữ ngồi chung, lương thì quá thấp. “Bệnh viện Việt Pháp và bệnh viện Bạch Mai cách nhau có bức tường, nhưng bệnh viện Việt Pháp không có phong bì, còn Bạc Mai thì vất vả phát động nói không với phong bì”, Bộ trưởng dẫn chứng để nói, thu nhập là yếu tố rất quan trọng tác động đến y đức.
Bộ trưởng cho hay đã triển khai nhiều giải pháp. Nhiều bệnh viện cũng làm nghiêm như bệnh viện Việt Đức, nếu phát hiện cán bộ nhận phong bì sẽ đuổi việc. “Đã xây dựng đề án giảm tải bệnh viện, mở thêm nhiều giường ở các bệnh viện, tăng viện phí sẽ có cơ sở tăng lương bác sĩ, điều này sẽ góp phần trực tiếp nâng cao y đức. Bệnh nhân không đưa phong bì cho bác sĩ, ai thấy bác sĩ nhận phong bì hãy phản ánh”, bà Tiến nói.
Chưa kiểm soát được thực phẩm tiểu ngạch
Về các sự cố tai biến y khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, đồng thời chủ động nêu luôn vấn đề tai biến sản khoa gây bức xúc trong dư luận.
Theo Bộ trưởng, tai biến có nhiều nguyên nhân, trong đó tai biến do sai sót chuyên môn xảy ra thường trực ở mọi nơi kể cả đối với người nhà của thầy thuốc. Thế giới klhẳng định tỷ lệ sai sót do tai biến là 3,7%. Sai sót về sản khoa là 15%, kể cả những nơi bác sĩ giỏi, cơ sở tốt. Những sai sót xảy ra là đau lòng, ngành y day dứt.
Riêng về tai biến sản khoa tăng so với trước, nguyên nhân là số lượng sinh tăng bất thường (năm nay tăng 100.000 trường hợp sinh do năm đẹp). Nguyên nhân gián tiếp là do thai phụ có bệnh sẵn, khi vào sinh rất nhiều nguy cơ.
Nguyên nhân trực tiếp là do vỡ tử cung, xuất huyết, điều này có phần sai sót chuyên môn, trách nhiệm của cán bộ y tế. Về lâu dài, phải tăng lượng bác sĩ sản - nhi được đào tạo bài bản.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), chất vấn Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chính về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế phải nói rõ thực phẩm nào an toàn hay không an toàn cho dân biết. Bộ trưởng cho rằng, Luật An toàn thực phẩm đã có, Bộ Y tế trực tiếp quản lý các loại nước đóng chai, thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương quản rượu, đường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thịt, rau… Tuy phân công như vậy, nhưng Ủy ban liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên giao ban, có sự phối hợp với các bộ. Tất cả thực phẩm nhập khẩu chính ngạch đều được kiểm tra. Nhưng lo là thực phẩm nhập khẩu tiểu ngạch chưa kiểm soát được, điều này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói sẽ rõ hơn”, Bộ trưởng Bộ tế “chia lửa” trách nhiệm về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Giá thuốc ở Việt Nam không cao hơn các nước
Về vấn đề giá thuốc, đại biểu Huỳnh Văn Tĩnh (Tiền Giang) chất vấn: Bộ trưởng nghĩ gì về thị trường dược nội, Việt Nam nhập hàng chục ngàn loại thuốc, trong khi Thái Lan cho nhập rất ít. Bao giờ người dân Việt Nam được mua thuốc bằng giá trong khu vực?
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng bức xúc, ngành y tế buông lỏng giá thuốc. Bộ Y tế không quản được giá thuốc trên thị trường, các nhà thuốc muốn bán bao nhiêu thì bán vì chênh lệch quá nhiều. Các phòng khám tư nhân thích lấy giá bao nhiêu cũng được, có cảm tưởng Bộ chỉ cấp phép xong là… thôi.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khi khảo sát mấy chục loại thuốc thiết yếu thì thấy giá thuốc ở Thái Lan cao hơn Việt Nam 3,16 lần; giá thuốc ở Trung Quốc cao gấp 2 lần Việt Nam. Thông tin giá thuốc ở Việt Nam cao hơn thế giới là hiểu nhầm, thực chất là chúng ta thấp hơn.
|
PHAN THẢO
>> Chưa quản lý được giá thuốc
>>Sớm có tiêu chuẩn gà thải loại