Ngày 19-3, tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường (giai đoạn 2006-2015) của ngành đường sắt Việt Nam tại Nha Trang, ban chỉ đạo vệ sinh môi trường đường sắt đã cho biết chỉ 10% toa xe lửa có thiết bị vệ sinh tự hoại, số còn lại đều xả thẳng xuống đường.
Khi đọc thông tin trên, tôi cảm thấy buồn và xấu hổ cho một thực trạng nhếch nhác từ bấy lâu nay của ngành đường sắt. 10% toa xe lửa có thiết bị vệ sinh tự hoại là con số quá ít ỏi so với sự phát triển của ngành đường sắt, càng không thể đáp ứng nổi nhu cầu đi lại ngày càng cao của mọi người.
Thật không ngờ, những năm đầu thế kỷ 21 này, ngành đường sắt vẫn còn có những hành động cẩu thả và vô trách nhiệm như thế. Rõ ràng, nguyên nhân của việc này xuất phát từ ý thức của các cấp hữu quan còn quá kém.
Đất nước ta còn nghèo, cơ sở vật chất cho công tác vận chuyển công cộng còn thiếu thốn nhưng không có nghĩa là chúng ta có những hành động tắc trách đến phản văn hóa như thế. Những ai đã một lần đi tàu lửa chắc vẫn còn nhớ, đôi khi muốn kiếm một cuộn giấy vệ sinh cũng đã vất vả nói chi là việc bàn về chất lượng vệ sinh.
Trước đây, báo chí đã từng nói nhiều về việc các khu du lịch cứ thiếu vắng nhà vệ sinh, giờ đến chuyện ngành đường sắt tắc trách trong việc xử lý chất thải. Có lẽ chúng ta không chỉ cần xem xét ý thức cộng đồng và trách nhiệm các ngành hữu quan trong lĩnh vực này mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác.
Sắp tới, ngành đường sắt đề ra quy định toa tàu đóng mới phải có thiết bị vệ sinh tự hoại mới được đưa vào hoạt động. Tôi thiết nghĩ, việc này hoàn toàn đúng đắn và cần phải làm cấp bách vì chúng ta không thể cứ để những hành động phản văn hóa từ việc xả chất thải xuống đường tiếp diễn mãi.
NGÔ NGUYỄN
(Q.Thủ Đức, TPHCM)