Cần chiến lược căn cơ trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo

Đến nay, kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 ở ĐBSCL đã kết thúc và các doanh nghiệp hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Song, vấn đề trăn trở là nông dân được hưởng lợi từ cơ chế này không nhiều; vẫn còn một sản lượng lớn lúa hàng hóa (chủ yếu lúa Jasmine và lúa chất lượng cao) tồn đọng trong dân chưa bán được và giá đang giảm trở lại.
Cần chiến lược căn cơ trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo

Đến nay, kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 ở ĐBSCL đã kết thúc và các doanh nghiệp hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Song, vấn đề trăn trở là nông dân được hưởng lợi từ cơ chế này không nhiều; vẫn còn một sản lượng lớn lúa hàng hóa (chủ yếu lúa Jasmine và lúa chất lượng cao) tồn đọng trong dân chưa bán được và giá đang giảm trở lại.

  • Giá giảm, thương lái ngưng mua

Mấy ngày nay giá lúa khô loại thường sụt còn 4.900 - 5.000 đồng/kg; lúa khô hạt dài 5.100 đồng/kg; lúa Jasmine 5.600 - 5.800 đồng/kg… Gạo 5% tấm khoảng 6.800 đồng/kg; gạo 15% tấm 6.700 đồng/kg… bình quân giảm 200 đồng/kg so thời điểm đầu tháng 3-2013. Ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, hơn một tuần nay nhiều kho gạo ở ĐBSCL hạn chế thu mua, khiến giá gạo liên tục giảm. Lý giải của các kho gạo và doanh nghiệp là đã hoàn thành chỉ tiêu phân bổ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nên không thể mua đại trà bởi tình hình xuất khẩu khó khăn. Doanh nghiệp siết chặt mua vào nên thương lái các nơi đành tạm ngưng hoạt động.

Tại ĐBSCL, nhiều năm nay việc tiêu thụ lúa trong dân phải thông qua hệ thống thương lái. Thương lái tạm ngưng mua lúa khiến nông dân chết đứng. Ông Lâm Văn Thắm, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chua chát: “Thu hoạch xong 13 tấn lúa Jasmine nhưng giá đang sụt và khó tiêu thụ; trong khi các chi phí đầu tư như phân thuốc, vật tư, nhân công, tiền mướn đất… đều tăng. Tính ra vụ này lợi nhuận chẳng được gì”.

Nông dân ĐBSCL phơi lúa thủ công. Ảnh: NGUYỄN THANH

Nông dân ĐBSCL phơi lúa thủ công. Ảnh: NGUYỄN THANH

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL về cơ bản đã thu hoạch gần xong vụ lúa đông xuân và đang triển khai xuống giống 1,68 triệu ha lúa hè thu. Điều lo lắng là thời gian thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ vừa xong thì giá lúa lập tức sụt giảm và khó tiêu thụ. Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, sản lượng lúa đông xuân 2012 - 2013 đạt hơn 2,2 triệu tấn. Mặc dù các doanh nghiệp đã thu mua tới 97.000 tấn gạo tạm trữ (vượt chỉ tiêu giao là 84.000 tấn gạo); tuy nhiên, lượng lúa còn tồn đọng trong dân rất lớn ước hàng trăm ngàn tấn. Tồn đọng chủ yếu là lúa Jasmine và lúa chất lượng cao.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang nhìn nhận, vẫn còn tồn đọng lúa Jasmine và lúa chất lượng cao, do giá chênh lệch với lúa thường không nhiều; điều này khiến nông dân bức xúc. Tỉnh đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ lúa tồn đọng, nhằm đảm bảo nguồn vốn để tái đầu tư cho vụ hè thu. 

  • Mạnh dạn thay đổi cách làm

Trước áp lực tiêu thụ lúa tồn đọng, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra để có hướng giải quyết, bởi vụ hè thu cũng đang gieo sạ đồng loạt. Trước mắt, Kiên Giang yêu cầu 7 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn sau khi hoàn thành mua gạo tạm trữ, cũng như đã mua khá nhiều gạo IR 50404 thì từ tháng 4 trở đi xem xét thu mua gạo thơm và gạo chất lượng cao giúp nông dân.

Nghịch lý năm nay ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân đẩy mạnh trồng lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm 60% - 70% diện tích. Nhưng thời gian qua thương lái và doanh nghiệp chỉ tập trung mua lúa thường IR 50404. Sản xuất theo khuyến cáo nhưng khó tiêu thụ và bán giá thấp khiến nông dân cùng ngành nông nghiệp gặp khó.

Niềm vui được mùa. Ảnh: Vinh Hiển

Niềm vui được mùa. Ảnh: Vinh Hiển

Phân tích thực trạng này, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho rằng mấu chốt vấn đề là giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu gạo hiện nay chưa liên kết chặt được với nhau. Ngành nông nghiệp và nông dân không ngừng nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Song, việc tiêu thụ số lượng, chủng loại gạo… là trách nhiệm của ngành công thương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, lâu nay các doanh nghiệp chưa mặn “đặt hàng” trong sản xuất lúa gạo; từ đó dẫn tới việc tiêu thụ chệch choạc như hiện nay. Đây là hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ.

PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, đề xuất các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Kéo nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào để nông dân được trồng lúa theo hợp đồng. Điển hình như cách làm của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) và một số công ty khác, khi đứng ra bao tiêu vùng nguyên liệu, đầu tư giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đến khi thu hoạch thì thu mua toàn bộ sản phẩm. AGPPS còn đầu tư nhiều nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa, hệ thống sấy… Trường hợp giá lúa thấp, công ty sẵn sàng sấy lúa và cho nông dân gửi vào kho, chờ khi giá lên mới bán.

Đây là cách làm căn cơ bởi công ty định hướng ngay từ đầu cho nông dân sản xuất giống gì, chất lượng ra sao, số lượng bao nhiêu… và đảm bảo đầu ra. Nhân rộng mô hình này sẽ giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giải được bài toán về tiêu thụ; còn doanh nghiệp được lợi từ việc kiểm soát chặt nguồn gốc, chất lượng gạo… Nhờ đó mà giá gạo xuất khẩu của AGPPS luôn cao hơn các doanh nghiệp khác từ 40 - 50 USD/tấn.

Đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu gạo theo hướng căn cơ hơn. Cần xác định lại hạt gạo nước ta đang đứng vị trí nào trên thế giới, đâu là điểm mạnh, điểm yếu, cạnh tranh với thế giới về phân khúc nào, thị trường nào chủ lực… để có chiến lược đầu tư dài hạn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả nước xuất được 1,45 triệu tấn gạo, trị giá hơn 641 triệu USD. Cái khó của xuất khẩu gạo năm nay là cạnh tranh với nguồn cung dồi dào từ Ấn Độ, Thái Lan...

Thời gian qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán giá 400 - 410 USD/tấn, thấp hơn khoảng 40 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ và Pakistan; gạo 25% tấm của Việt Nam chào bán giá 360 - 370 USD/tấn, thấp hơn 30 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ… Do giá gạo mà các doanh nghiệp chào bán thấp nên giá lúa ở ĐBSCL thấp khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

NGUYỄN THANH - AN BÌNH

Tin cùng chuyên mục