Cử tri góp ý với Quốc hội

Cần chính sách điều hành kinh tế linh hoạt

Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn, tự tin
Cần chính sách điều hành kinh tế linh hoạt

Diễn đàn Quốc hội đang “nóng” lên với phần chất vấn của các đại biểu và phần giải trình của các thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đã được đặt ra cho những người có trách nhiệm xem xét, giải thích như vấn đề thiếu điện, lũ lụt, quá tải bệnh viện, giá thuốc, khai thác bauxit… Tuy nhiên, vấn đề mà tôi và nhiều cử tri quan tâm hiện nay chính là giá cả sinh hoạt hàng ngày đối với hàng triệu người lao động.

Giá cả tăng cao khiến người lao động cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm giá rẻ nhưng khó kiểm soát được chất lượng. Ảnh: P.Đức

Giá cả tăng cao khiến người lao động cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm giá rẻ nhưng khó kiểm soát được chất lượng. Ảnh: P.Đức

Giá vàng, tỷ giá ngoại tệ "nhảy múa" làm nhức đầu các cơ quan điều hành kinh tế. Giá cả tiêu dùng tăng hàng ngày như con ngựa bất kham trở thành nỗi lo âu thường trực trong chiếc giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Tại TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 đột ngột tăng mạnh ở mức 1,73% so với tháng 10. Tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ… đều tăng theo. Giá gạo, thực phẩm, rau quả, xi măng, sắt thép, hàng may mặc, gas đều tăng và đây là những mặt hàng chính nên đã kéo theo sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng khác. Với mức tăng chung như trên, chỉ số giá cả tại thành phố trong tháng 11 này được ghi nhận là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Tương tự, chỉ số giá tháng 11 của Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng 1,93%. Đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng trở lại đây. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI của Hà Nội tăng 11,41%. Nhìn ở bình diện vĩ mô, người ta không khỏi lo lắng "bão giá" đang "càn quét" trên nhiều lĩnh vực đời sống.

Kinh tế Việt Nam không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới, như chuyện giá vàng, giá đô la tăng, giảm trồi sụt. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan điều hành kinh tế cần “đi tắt đón đầu”, có những dự báo tốt để dẫn dắt thị trường, tránh rơi vào tình trạng lúng túng, để thị trường nháo nhào rồi nhà nước mới ra tay bình ổn. Việc bình ổn thị trường vàng, cấp quota nhập khẩu vàng sau khi vàng “dậy sóng” vừa qua là một bằng chứng.

Trở lại chuyện con cá, bó rau. Có một thực tế đang diễn ra: nhà nước đang cố gắng bình ổn thị trường thế nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng tại các chợ nhỏ lẻ vẫn tăng dù hàng về các chợ đầu mối vẫn ổn định về lượng và giá. Tại sao? Khâu phân phối có vấn đề? Các cơ quan điều hành kinh tế đã nghiên cứu vấn đề này để có giải pháp thích hợp?

Giá cả tăng, mức lạm phát hai con số đang đe dọa những nỗ lực của Chính phủ. Giá cả tăng, bữa cơm người lao động càng ít thịt, ít rau – bởi lẽ rau bây giờ cũng đắt đỏ. Khái niệm “tăng trưởng kinh tế” sẽ xa lạ với người dân nếu như bữa cơm hàng ngày không được cải thiện theo hướng tích cực. Ổn định thị trường với một chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, thông minh là điều mong mỏi của đại đa số cử tri hiện nay…

Huỳnh Công (quận 3)


Tạo sự công bằng về chăm sóc sức khỏe

Theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, cử tri cảm thấy chưa hài lòng trước lời hứa “vũ như cẩn” là cố gắng giảm tải ở các bệnh viện lớn. Đúng như đại biểu Trần Kim Phương (Hà Nội) chất vấn, từ đầu đến gần kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, ngành y tế vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá nào nhằm giảm bớt áp lực khám chữa bệnh của người dân. Có rơi vào tình cảnh bị bệnh nặng, bệnh nan y phải điều trị dài ngày mới thấy nỗi khổ nằm bệnh viện trần ai đến mức nào.

Do quá tải, người bệnh phải nằm ngoài hành lang tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Mai Hải

Do quá tải, người bệnh phải nằm ngoài hành lang tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Mai Hải

Ở TPHCM, các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bình Dân, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1… luôn trong tình trạng giường nằm phải ghép bệnh nhân và người nhà nằm la liệt ở hành lang để nuôi bệnh. Nhìn những hình ảnh này, ai cũng thấy xót xa và buồn lòng vì chất lượng cuộc sống không đảm bảo.

Gần đây những con số tăng trưởng kinh tế đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thế nhưng, dịch vụ công và điều kiện khám chữa bệnh lại không tương xứng với nhu cầu cũng như quyền bình đẳng được chăm sóc sức khỏe của người dân ở các địa phương. Vì sao khi bị bệnh nặng phần đông người dân đều tìm về các bệnh viện tuyến trên để chữa bệnh? Ngoại trừ lý do tâm lý thì chất lượng khám chữa bệnh, phương tiện chẩn đoán bệnh ở một số bệnh viện tuyến dưới chưa đảm bảo, còn thiếu trang thiết bị y tế, kỹ thuật hiện đại. Chính vì thế, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo môi trường bình đẳng trong khám chữa bệnh cho người dân ở các vùng miền, địa phương, ngành y tế phải kiến nghị Chính phủ đầu tư mạng lưới khám chữa bệnh đạt chất lượng. Có như thế người dân mới yên tâm chọn lựa dịch vụ công, cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu. Đối với diện có thu nhập thấp, người nghèo, cần có thêm chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho họ để giảm nguy cơ rơi vào nghèo túng khi bị bệnh nặng, bệnh nan y.

Lê Vĩnh
(Đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.Tân Bình, TPHCM)

Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn, tự tin

Tôi thích phần trả lời khá thẳng, ngắn gọn, tự tin của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, đó là đúng hướng, đúng mục đích chất vấn và như vậy mới có hiệu quả. Cũng như những lần trước, Bộ trưởng trả lời rất thoải mái, sinh động. Ông đã đi sâu sát, nắm chắc tình hình và trả lời rất thực tế. Đặc biệt, Bộ trưởng đã làm rõ vấn đề về y tế cơ sở, y tế cộng đồng, việc người bệnh phải nằm chung giường... Tuy nhiên, trước các chất vấn về vấn đề giá thuốc cao, Bộ trưởng có nêu giá thuốc so với một số mặt hàng khác chỉ tăng ở mức vừa phải là chưa thuyết phục. Tôi tâm đắc với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) rằng nước ta có số dân đông thứ 13 thế giới, nhưng chưa sản xuất được 1 gam kháng sinh, 1 gam vitamin nào. Đó là điều đáng để ngành y tế suy ngẫm.

Lê Thị Thủy (Q.Thanh Khê - Đà Nẵng)

Bộ trưởng Bộ Công thương còn vòng vo

Tôi chưa đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xung quanh vấn đề giải pháp tham gia vào chống lạm phát và bình ổn giá. Bộ trưởng cho rằng có thể yên tâm là giá cả sẽ được ổn định. Thực tế hiện nay, hầu như mặt hàng nào cũng tăng giá, kể từ bó rau đến giá vàng, giá vật liệu xây dựng... đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người lao động và dân nghèo. Bộ trưởng phải đưa ra những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Khi giải trình về vấn đề xả lũ của các hồ thủy điện, Bộ trưởng khẳng định ông chưa bao giờ có câu trả lời chính thức về sự không liên quan của thủy điện nhỏ đối với tình hình xả lũ, gây thiệt hại cho người dân. Vậy chúng tôi rất muốn biết, trách nhiệm của bộ ở đâu, tại sao khi quy hoạch và xây dựng các dự án thủy điện lại không tính toán trước mà để đến khi xảy ra hậu quả rồi mới bổ sung chức năng này chức năng kia cho thủy điện?

Ngọc Diệp (Tân Phú - TPHCM)

Tôi thấy như đang ở nghị trường

Theo dõi phiên chất vấn trong 2 ngày qua, tôi cảm thấy như bản thân mình đang trực tiếp có mặt tại nghị trường Quốc hội. Bởi vì, thông qua cầu nối “Người đại biểu”, gần như tất cả những vấn đề cử tri quan tâm, những bức xúc của người dân cả nước đều được nêu lên trước các thành viên Chính phủ và truy vấn tìm câu trả lời xác đáng. Ví dụ như câu chuyện lũ lụt diễn biến bất thường ở miền Trung, những đại biểu của dân đã yêu cầu phải xác định nguyên nhân ngoài “ông Trời” thì còn có “ông thủy điện” hay không? Và cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Tình trạng lũ lụt vừa qua phần nào có nguyên nhân từ thủy điện”, đồng thời xác định các nhà máy thủy điện xả lũ không đúng quy trình phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt. Quyền lợi chính đáng của người dân đã được các đại biểu bảo vệ.

Không khí dân chủ trong hoạt động Quốc hội ngày càng đậm nét, thể hiện rõ là cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam. “Tiếng nói chất vấn” cũng thêm phong phú, đa dạng, không chỉ quanh quẩn một số gương mặt đại biểu quen thuộc mà ngày càng có nhiều các đại biểu đang giữ vị trí trọng trách trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang… thổi “lửa” vào không khí tranh luận tại nghị trường. Chính phủ cũng thể hiện thái độ cầu thị, tiếp nhận các ý kiến đóng góp và điều chỉnh một số vấn đề trong công tác điều hành theo hướng “thuận lòng dân”. Có thể nói, hoạt động của Quốc hội và những kỳ họp Quốc hội đã ngày càng thu hút sự quan tâm, tin tưởng của người dân cả nước.

Ngọc Phụng (P.14, Q.6)

Tin cùng chuyên mục