
Việc quy hoạch và sử dụng đúng mục đích không gian chung tại các khu căn hộ là một giải pháp tốt để giải quyết tình trạng “khát công viên” của người dân thành phố. Có thêm nhiều không gian giao tiếp sẽ giúp tạo cầu nối thân thiện giữa các cư dân, góp phần lưu giữ nét văn hóa cộng đồng trong xã hội hiện đại.

Công viên trẻ em ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Đảo một vòng các khu chung cư tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy không gian công cộng tại các chung cư này được sử dụng theo hai hướng chính.
Ở hướng thứ nhất, khái niệm không gian chung dường như không tồn tại bởi các không gian này bị chiếm dụng tối đa để làm hàng quán, chỗ đậu xe...
Ở khuynh hướng thứ 2, khái niệm không gian công cộng được hiểu là không gian cho tất cả cư dân nhằm tạo những mảng xanh đối lưu không khí và là cầu nối giao tiếp. Khuynh hướng thứ nhất thường rơi vào những chung cư cũ đã xây dựng ít nhất trên 20 năm, kiến trúc cổ và không dự trù được nhu cầu sử dụng khi lượng dân cư tăng nhanh.
Thế nhưng đáng buồn là ngay cả những công trình tái định cư được đưa vào sử dụng cách đây không lâu như một cụm chung cư ở đường Hoàng Sa (gần cầu Thị Nghè) cũng vậy. 5 giờ 30 chiều, quang cảnh ở đây giống như phiên họp chợ. Dường như không có chỗ trống nào không được sử dụng với đủ các kiểu hàng quán: cà phê, bún bò, phá lấu, nhậu bình dân, ốc các loại… mọc lên khắp nơi trên vỉa hè, lề đường. Cư dân muốn đi bộ thì đành đi bộ giữa lòng đường, còn việc di chuyển bằng xe máy, xe hơi thì khó khăn hơn gấp bội, vì diện tích lòng đường bị thu hẹp.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ở các khu đô thị mới, các công trình tái định cư nâng cấp cố gắng tạo nên những không gian giao tiếp. Đôi khi chỉ là những chiếc ghế ngồi trên đường để khi đi chợ, mỏi chân, người ta có thể ngồi nghỉ, nói chuyện với nhau. Hoặc tạo ra những vườn dạo, những mảnh đất nho nhỏ, đôi khi chỉ là những hàng cây xanh có một, hai chiếc ghế đá cho các cụ già ngồi nói chuyện với nhau hoặc khoảng sân nhỏ giữa hai tòa nhà dành cho trẻ con chơi...
Việc sử dụng không gian chung sẽ hướng đến việc tạo cầu nối giao tiếp cộng đồng. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi không gian này không nhất thiết phải quá rộng, nhưng ngay từ khi thiết kế bản vẽ, các nhà xây dựng cần quy hoạch và phân chia rõ chức năng sử dụng. Không gian trống này thường được thiết kế ở giữa hai tòa nhà, là nơi hội tụ nhiều chức năng của cuộc sống hàng ngày như đối lưu không khí để lấy ánh sáng, gió trời, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi, gặp gỡ và trao đổi…
Các nhà cao tầng mới được xây dựng tại TPHCM trong vài năm trở lại đây như chung cư trên đường Hồ Văn Huê, Đặng Văn Ngữ, quận 4… đã quy hoạch và sử dụng tốt không gian này. Đặc biệt, các chung cư thuộc đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH), nơi có khá nhiều nhà cao tầng thì có thể thấy rằng, ngoài chức năng tạo cảnh quan, đối lưu không khí, không gian công cộng được sử dụng như một cầu nối giao tiếp giữa các cư dân. Thường mật độ xây dựng tại các khu căn hộ ở đây không quá 50%, phần diện tích còn lại tạo hoa viên, vườn dạo, công viên, chỗ cho trẻ chơi…
Buổi chiều đến bất kỳ khu chung cư nào trong PMH cũng cảm nhận được cảnh yên bình nơi đây. Chỗ thì trẻ chơi cầu tuột, đạp xe, chỗ đi dạo… người lớn chạy bộ, đọc sách… Ngoài các không gian dưới đất, PMH còn có thiết kế vườn dạo, hoa viên lộ thiên ở tầng 3, tầng 7 (căn hộ Park View), tầng cao nhất của tòa nhà (The Grand View), hoặc tạo những phố mua sắm lộ thiên kết hợp đi dạo và mua sắm (khu Sky Garden)…
Rõ ràng, việc quy hoạch và sử dụng đúng mục đích không gian chung tại các khu căn hộ là một giải pháp tốt giải quyết tình trạng chung của người dân thành phố là “khát công viên”, có thêm nhiều không gian giao tiếp tạo cầu nối thân thiện giữa các cư dân, góp phần lưu giữ nét văn hóa cộng đồng trong xã hội hiện đại…
HIỀN VY