Báo SGGP ngày 26-6-2014 đưa tin “Khó xử lý phim phát hành trên internet?” phản ánh tư duy và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Thực tế cho thấy do Luật Điện ảnh không quy định chi tiết các tiêu chí để xác định như thế nào là phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực…, nên đã dẫn đến các quyết định thẩm định được đưa ra hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và cách nhìn cá nhân của các thành viên tham gia thẩm định.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, điện ảnh đã tạo được sức lan tỏa đến đông đảo công chúng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người xem thông qua những bộ phim giàu tính nghệ thuật và nhân văn. Bên cạnh đó, vẫn có một số tác phẩm chuyển tải những nội dung không phù hợp với sự phát triển của xã hội như có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực... Để hạn chế điều này, pháp luật đã quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và lập ra một đội ngũ chuyên môn để kiểm duyệt trước khi một tác phẩm điện ảnh được phổ biến rộng rãi.
Theo Điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật Điện ảnh), những hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh: kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục. Để hướng dẫn cụ thể hơn, Nghị định 54/2010/NĐ-CP nêu rõ hành vi kích động bạo lực, khiêu dâm là việc sử dụng “hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác” hoặc “mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục”… Tuy nhiên, những quy định này chỉ dừng lại ở mức chung chung. Căn cứ vào các điều khoản chung chung này, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định đã ra quyết định “khai tử” nhiều bộ phim với lý do chung chung là nội dung phim không phù hợp!
Điều đáng nói ở đây là không có một tiêu chí hay một quy chuẩn khách quan, cụ thể nào để đánh giá, phân loại nội dung phim. Điều này khiến cho các nhà sản xuất phim cảm thấy mình giống như đang chơi một canh bạc. Họ đầu tư rất nhiều kinh phí để tạo ra một tác phẩm điện ảnh, nhưng đến khi kiểm duyệt lại không được chấp nhận chỉ vì nó “không phù hợp”, mọi công sức, tiền của như đổ sông, đổ biển. Xét cho cùng, Hội đồng duyệt phim quốc gia tuy tập hợp những người có chuyên môn về điện ảnh nhưng thực tế họ cũng bị tác động ít nhiều bởi các yếu tố văn hóa, hoàn cảnh sống, quan niệm về nghệ thuật khác nhau… Do đó, nếu chỉ dựa vào ý chí chủ quan của các thành viên thẩm định để đưa ra phán quyết về số phận của một bộ phim là rất khó thuyết phục.
Theo cách thức thẩm định phim của Việt Nam thì sẽ có 3 mức độ: 1 - Có thể phát sóng rộng rãi cho mọi đối tượng khán giả; 2 - Phải lược cắt một hay nhiều cảnh; phải sửa chữa lời; 3 - Không cho phép phát sóng đối với phim có nội dung vi phạm điều cấm. Hệ quả là nhà sản xuất phim phải cố gắng chỉnh sửa “đứa con tinh thần” của mình sao cho phù hợp với quan điểm của Hội đồng thẩm định nếu họ muốn phim của mình được phép phổ biến. Trong khi đó, các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới lại sử dụng một hệ thống phân loại phim rất rõ ràng. Chẳng hạn như ở Mỹ, phim sẽ phân loại ra 5 cấp: 1 - Ai xem cũng được; 2 - Trẻ em xem nên có người lớn đi kèm để giải thích; 3 - Không thích hợp với trẻ dưới 13 tuổi; 4 - Không dành cho trẻ dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng; 5 - Cấm trẻ em dưới 17 tuổi. Thiết nghĩ, các quy định của pháp luật mà cụ thể là Luật Điện ảnh cần phải chi tiết hóa các tiêu chí rõ ràng để đánh giá nội dung phim cũng như phân loại phim cho phù hợp với các đối tượng người xem khác nhau, thay vì cứ cấm hay bắt phải cắt gọt. Điều này sẽ góp phần đáp ứng thị hiếu của những người yêu điện ảnh cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)