Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) năm 2013 cho biết, sau 30 năm thực hiện theo Chỉ thị 29-CT/TW năm 1983 và Quyết định số 184/HĐBT năm 1984 về đẩy mạnh giao đất giao rừng đã góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 23% (năm 1983) lên gần 39,9% (năm 2012).
Tính đến nay, có 11,67 triệu ha rừng và đất rừng đã được giao trên toàn quốc, chiếm 71,87% tổng diện tích đất rừng của Việt Nam. Việc giao đất, giao rừng giúp được quản lý bảo vệ tốt hơn, giá trị rừng ngày càng tăng và đời sống của cộng đồng dân cư được cải thiện. Tuy nhiên, việc giao đất giao rừng hiện nay vẫn còn bất cập: tiến độ giao rừng còn chậm, rừng được giao chưa thực chất vì chủ yếu giao trên giấy tờ chứ chưa được xác định ranh giới cụ thể ngoài thực tế, giao đất và giao rừng vẫn chưa gắn liền nhau về mặt tổ chức thực hiện…
Theo Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế, một trong những nguyên nhân gây nên sự bất cập trên là do việc hướng dẫn thực hiện giao rừng gắn với giao đất chưa rõ ràng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện công tác giao đất giao rừng cũng như đã hạn chế sự tham gia và quyền tiếp cận tài nguyên đất, rừng của người dân.
Mới đây, CRD đã cùng với Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) thuộc Liên minh đất rừng cũng đã thực hiện nghiên cứu việc giao đất giao rừng theo Thông tư 38/2007/TT-BNN của Bộ NN-PTNT và Thông tư liên tịch 07/2011/BNN-BTNMT của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Nghiên cứu này cũng cho thấy, 3/4 tỉnh này có diện tích rừng chủ yếu giao cho tổ chức quản lý, diện tích rừng giao cho hộ gia đình rất thấp.
Cụ thể, diện tích rừng giao cho hộ gia đình tại tỉnh Quảng Bình 20,1%, Huế là 15,6%, Quảng Nam 13,77% và Hà Tĩnh 8,5%; diện tích rừng giao cho cộng đồng cũng rất ít, trong đó tỉnh Quảng Bình chỉ khoảng 0,5% và Hà Tĩnh 0%.
Theo nhóm nghiên cứu, cả 2 thông tư này đều hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất về quan điểm “giao đất gắn với giao rừng” hay ngược lại “giao rừng gắn với giao đất” giữa hai ngành NN-PTNT và ngành TN-MT nên dẫn đến sự chồng chéo trong việc tham mưu cho UBND các cấp ban hành các quyết định giao đất giao rừng cho người dân.
Mặt khác, các thông tư đến nay vẫn chưa quy định rõ ràng về sự tham gia của người dân vào các bước trong tiến trình giao đất giao rừng nên các địa phương không biết phải hướng dẫn người dân tham gia như thế nào vào các hoạt động này. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí, tiến trình giao đất giao rừng đã không được thực hiện đúng theo như hướng dẫn.
Ông Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc Tổ chức Điều phối của Liên minh đất rừng, khẳng định, việc giao đất giao rừng là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định sinh kế và cải thiện cuộc sống. Nhằm đảm bảo sự tham gia và quyền tiếp cận đất, rừng của người dân.
Do đó, các thông tư cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tham gia trong giao đất giao rừng đặc biệt là sự tham gia của người dân vì họ là người biết rất rõ đặc điểm khu rừng, vị trí và ranh giới, và cũng chính họ là người hưởng lợi từ quá trình này.
MINH HUY