Cần đánh giá học sinh theo năng lực thực tế

Cần đánh giá học sinh theo năng lực thực tế

Giảm áp lực kiểm tra

Thay vì bắt buộc học sinh làm bài kiểm tra theo cột điểm của từng môn học như cũ, nhiều trường học ở TPHCM đã áp dụng cách đánh giá theo quá trình học. Theo đó, học sinh năng động, tích cực tham gia dự án, chuyên đề dạy học tích cực, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học… sẽ được tính điểm, cộng điểm cho nhiều môn học tích hợp kiến thức.

Áp lực từ kiểm tra, thi cử dồn dập

Nhiều phụ huynh có con học bậc THCS, THPT đều than thở về chương trình học quá nặng, học sinh học trên lớp không hiểu bài, không bắt kịp kiến thức nên phải học thêm bên ngoài. Không những thế, nhìn vào lịch học, lịch kiểm tra dày đặc của 13 môn học, học sinh trung học phải quay cuồng với những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết (hệ số 1, hệ số 2) và thi học kỳ. Chị T.Nhung có con đang học lớp 8 một trường THCS ở nội thành bức xúc: “Chỉ tính một học kỳ, với 13 môn học nhân với tổng số lần kiểm tra bắt buộc mỗi môn từ 3 - 4 lần (15 phút, 1 tiết), rồi đến thi hết học kỳ, học sinh phải chịu quá nhiều áp lực học hành, thi cử”. Cũng theo chị T.Nhung và nhiều phụ huynh khác, con cái của họ luôn than mệt, căng thẳng vì lịch kiểm tra hàng ngày, hàng tháng dày đặc. Đó là chưa kể vào mùa thi học kỳ, cách xếp lịch thiếu khoa học, bắt ôn luyện, tập trung thi liên tục trong vài ngày cũng khiến học sinh đuối sức, làm bài không hiệu quả. Thế nhưng, áp lực điểm số còn nặng nề hơn khi có không ít giáo viên bộ môn thiếu công tâm, ép học sinh học thêm bằng cách ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết có độ khó cao. Điều này “nhá tín hiệu” là “nếu không học thêm thầy thì… đố trò làm được”.

Khảo sát thực tế cho thấy việc đánh giá, cho điểm đối với từng bộ môn theo cột quy định gồm 15 phút, 1 tiết và điểm học kỳ được nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn tuân thủ một cách xơ cứng, coi nó như pháp lệnh. Đơn giản là áp dụng theo lối mòn này khỏe hơn, đỡ phải tư duy đổi mới cách dạy, cách đánh giá và khi tính điểm bình quân môn học cũng nhẹ nhàng hơn. Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã bật đèn xanh, khuyến khích các trường học chủ động thay đổi cách đánh giá năng lực học sinh theo cả quá trình học, không dựa theo điểm số kiểm tra định kỳ, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều trường chuyển động theo hướng mở có lợi cho học sinh này. Vì thế, những “con vẹt học trò” vẫn phải học ngày, học đêm, học thêm để ứng phó với lịch kiểm tra, thi cử triền miên.

Lấy điểm từ học tích hợp và dự án

Mới đây, tham gia chuyên đề học Văn trên trang trực tuyến “Trường học kết nối” do Bộ GD-ĐT tổ chức, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) hưởng ứng rất nhiệt tình. Khi tổ Văn đưa ra chuyên đề “Tương phản đối lập trong hai tác phẩm Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù”, các em chia làm hai nhóm, chủ động lên ý tưởng, chuẩn bị nội dung cũng như hình thức trình bày. Sau 3 tuần chuẩn bị, trao đổi, nộp sản phẩm và được các thầy cô góp ý sửa chữa ngay trên trang “Trường học kết nối”, học sinh lớp 11A1 đã tự tin “trình diễn” công trình của mình trước thầy cô, bạn bè và các chuyên gia giáo dục. Trong khi nhóm 1 chọn cách thuyết trình bằng Power Point về bút pháp tương phản trong 2 tác phẩm, thì nhóm 2 chọn thể hiện bằng phóng sự ảnh, làm clip liên hệ với những điều tương phản trong cuộc sống hàng ngày. Buổi học trở nên sôi nổi, hào hứng hơn khi tất cả đều hòa nhịp, tương tác cùng nhau và sau mỗi phần trình bày, học sinh say sưa đặt câu hỏi, chủ động tranh luận, phản biện tích cực.

Sản phẩm sau giờ ngoại khóa của Trường THCS Nguyễn Văn Tố quận 10 được tính điểm môn học

Theo nhận định của các giáo viên tổ Văn của trường, mô hình trường học kết nối này đã tạo ra giờ dạy và học bổ ích, hấp dẫn chưa từng có. Còn về phía học sinh, các em cho rằng nhờ trang trực tuyến này, việc tìm tài liệu, trao đổi và tranh luận với thầy cô, bạn bè trên mạng nhanh hơn. Tuy cực hơn vì phải đầu tư, chuẩn bị kỹ cho giờ học kết nối nhưng học sinh lĩnh hội được nhiều điều thú vị, rút ra những bài học bổ ích và ham thích học Văn hơn. Sau giờ học theo hướng tích hợp kiến thức liên môn này, giáo viên bộ môn sẽ đánh giá, cho điểm hệ số 1 hay hệ số 2 cho học sinh tùy theo năng lực, khả năng đóng góp của từng em. Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết nhằm đổi mới việc đánh giá năng lực học sinh, giảm áp lực kiểm tra, nhà trường đã trao quyền cho giáo viên bộ môn linh động trong đánh giá, cho điểm học sinh. Cụ thể, khi học sinh tham gia các dự án, chuyên đề, giờ học tích hợp, liên môn, nghiên cứu khoa học, ngoại khóa hoặc tự học ở nhà… đều được tính điểm vào 15 phút, hoặc 1 tiết. Bên cạnh sự linh hoạt trong cho điểm này, nhà trường cũng chú trọng đánh giá học sinh theo cả quá trình học, khuyến khích học sinh phát triển năng lực cá thể, đam mê tìm tòi, sáng tạo.

Tương tự, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) đã tiên phong áp dụng cách đánh giá học sinh theo năng lực, thực hành và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Vì thế, cả thầy lẫn trò đã giảm bớt áp lực kiểm tra nặng nề theo định kỳ, “khai tử” cách học vẹt, nhồi nhét kiến thức. Theo cô Huỳnh Thị Phong Lan, Hiệu phó nhà trường, tất cả học sinh tham gia các dự án trường học kết nối toàn cầu hoặc các giờ học ngoại khóa như xem phim, “Lớn lên cùng sách”, trải nghiệm thực tế, học kỹ năng sống… đều được tính điểm vào các môn học có liên quan. Ví dụ như sau khi xem bộ phim mới Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, học sinh sẽ viết bản thu hoạch, nêu cảm nghĩ, làm thơ, vẽ tranh minh họa… Như thế từ một hoạt động ngoại khóa, học sinh có thể được tính điểm cho ba môn học gồm Văn, Mỹ thuật, Giáo dục công dân.

Vì học sinh, vì mục tiêu đổi mới giáo dục, nhiều trường, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó nhọc, truyền cảm hứng, đam mê học tập, khám phá tri thức cho học sinh. Sự tiên phong, gieo mầm đổi mới cách dạy, cách đánh giá học sinh theo năng lực cá thể này đã góp phần giảm bớt áp lực kiểm tra, thi cử như hiện nay.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục