Cân đối nguồn lực, chọn giải pháp phù hợp

Cân đối nguồn lực, chọn giải pháp phù hợp

Tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM

Chỉ riêng chất thải rắn đô thị, với khối lượng 7.200 - 7.500 tấn (khối lượng ướt) phát sinh mỗi ngày (có tốc độ tăng mỗi năm khoảng 6% - 8%), hàng năm TPHCM đang phải tiêu tốn trên dưới một ngàn tỷ đồng để xử lý với đơn giá dao động từ 333.000 - 466.000 đồng (tương đương 15 - 21USD)/tấn (tính theo khối lượng ướt) và hệ số tăng giá từ 2% - 3%/ năm (theo CPI hàng năm của Việt Nam, nhưng không quá 3%/ năm).

Trong khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nói trên, chỉ có khoảng 500 - 600 tấn (khối lượng ướt) chất thải rắn  được tái chế thành compost (mùn) và chế biến thành phân hữu cơ, khoảng 1.000 - 1.100 tấn (khối lượng ướt) được xử lý trong các lò đốt (không tái sinh năng lượng), phần còn lại khoảng trên 5.000 tấn ((khối lượng ướt) được xử lý bằng công nghệ chôn lấp vệ sinh (không thu hồi khí bãi chôn lấp để tái sinh năng lượng).

Chất thải đưa vào lò xử lý theo công nghệ đốt tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Các hướng tái chế rác

Thứ nhất: Công nghệ sinh học sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ.

Hiện nay, các bãi chôn lấp của TPHCM đang vận hành theo phương thức của quá trình lên men kỵ khí khô. Vốn đầu tư hệ thống tái sinh năng lượng (xử lý và đốt khí bãi chôn lấp phát điện, hoặc kết hợp với cung cấp nhiệt) dao động 750.000 - 900.000USD/MW.

Với khối lượng chất thải rắn (7.200 - 7.500 tấn/ngày) và thành phần chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (45% - 65%, tương đương 3.000 - 4.000 tấn/ngày), mỗi ngày TPHCM có thể thu về 300.000 - 400.000m3 khí sinh học (tương đương 150.000 - 200.000m3 khí methane CH4, tương đương 1,2 x 109 - 1,6 x 109kcal/ngày hoặc 420.000 - 560.000kWh ) và 1.000 - 1.100 tấn compost với giá bán trên thị trường từ 300.000 - 700.000 đồng/tấn sản phẩm tùy theo chất lượng.

Thứ hai: Công nghệ đốt kết hợp tái sinh năng lượng (điện, nhiệt/hơi nước).

Ngoài thành phần chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học và có độ ẩm cao (chủ yếu là thực phẩm thừa) chỉ thích hợp cho quá trình phân hủy sinh học, trong chất thải rắn sinh hoạt của thành phố còn chứa một lượng đáng kể (30% - 40% khối lượng ướt) các chất thải có nhiệt lượng cao, độ ẩm thấp, khó phân hủy sinh học và giá trị tái sinh thành nguyên liệu thấp (túi nhựa mỏng, cao su, vải giả da…) thích hợp cho quá trình đốt tái sinh nhiệt và năng lượng. Với nhiệt lượng dao động trong khoảng 4.500 - 6.000kcal/kg và khối lượng khoảng 2.000 - 2.500 tấn/ngày, mỗi ngày thành phố có khả năng tái sinh 9.000.000 - 12.000.000kcal dưới dạng nhiệt hoặc sản xuất diện được 10.000 - 12.000kWh.

Thứ ba: Tái chế các loại nguyên liệu.

Trong chất thải rắn sinh hoạt, ngoài hai thành phần nói trên, còn có một lượng đáng kể các chất thải có giá trị tái chế thành nguyên liệu cao, như plastic chất lượng cao (PE, HDPE, LDPE, PS…) chiếm 5% - 7% khối lượng ướt, kim loại đen và kim loại màu chiếm 2% - 3% khối lượng ướt…

Thách thức

Như vậy, chỉ với 3 công nghệ nói trên đã có khoảng 90% - 95% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt có thể tái chế. Nhưng cho đến tháng 9-2016, tất cả các công nghệ trên đều chưa được áp dụng vì các lý do sau đây: sản phẩm compost không tiêu thụ được do không tìm được thị trường hoặc giá bán quá thấp nên không đủ bù chi phí vận hành và hoàn vốn đầu tư. Các nhà máy sản xuất compost thường không liên kết được với các thị trường tiêu thụ hoặc không tái chế các loại chất thải khác. Vốn đầu tư cho thiết bị ủ kỵ khí có điều khiển và thiết bị tái sinh năng lượng điện/nhiệt cao.

Trong khi đó, hệ thống bãi chôn lấp tuần hoàn (Smart Soil), có vốn đầu tư thấp hơn nhiều mới chỉ được biết tại Canada. Các bãi chôn lấp hiện nay của thành phố chưa biết ứng dụng kỹ thuật này nên không có thu nhập từ sản phẩm tái chế để giảm giá thành xử lý. Phân hữu cơ dạng lỏng mới chỉ được biết trong thời gian gần đây và chưa được ứng dụng rộng rãi. Vốn đầu tư và chi phí vận hành lò đốt cao dẫn đến giá xử lý chất thải rắn cao (50 - 75 USD/tấn và cao hơn) vượt quá khả năng chi trả của thành phố. Phần khấu hao đã chiếm 70% - 75% giá xử lý. Các cơ quan quản lý luôn đòi hỏi lò đốt công nghệ cao (plasma) với chi phí (vốn đầu tư và chi phí vận hành) cao gấp nhiều lần lò đốt với công nghệ truyền thống, nhưng công tác giám sát vận hành thường không chặt chẽ. Thiếu các văn bản pháp luật về việc áp dụng các loại hình công nghệ tái chế mới. Giá mua điện quá thấp (7 - 10 cent USD/kWh) không đủ bù chi phí vận hành và bảo dưỡng.

Để có thể áp dụng các công nghệ trên,
cần thực hiện một số công tác sau về quản lý nhà nước:

+ Quy hoạch vùng nông nghiệp trồng trọt với diện tích đủ để sử dụng hết lượng compost được sản xuất ra. Như vậy có thể chuyển đổi từ loại sản phẩm có giá trị thấp sang loại sản phẩm có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ lớn hơn.

+ Quy hoạch nhà máy đốt và tái chế nguyên liệu bên cạnh nhà máy sản xuất compost.

+ Ứng dụng các công nghệ đốt theo lộ trình nhất định phụ thuộc vào kinh tế của thành phố.

+ Tận dụng chương trình JCM (Joint Crediting Mechanism - Cơ chế tính dung chung) của Chính phủ Nhật để có nguồn tài chính hỗ trợ dự án phân hủy kỵ khí và đốt. Khi này giá xử lý có thể giảm thấp hơn 30USD/tấn.

+ Sử dụng lợi ích của các sản phẩm tái chế để giảm giá xử lý chất thải rắn.

+ Sửa đổi, bổ sung và nâng cấp bộ “Tiêu chí lựa chọn các dự án tái chế và xử lý chất thải rắn cho TPHCM” trong đó xác định rõ giá trần cho các công nghệ tái chế và xử lý, ưu tiên cho các dự án tái chế chất thải thành sản phẩm hoặc nguyên liệu.

Tiến sĩ NGUYỄN TRUNG VIỆT
Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM

Tin cùng chuyên mục