Cần đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công viên

Mặc dù TPHCM đã có chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có công viên cây xanh, nhưng hiện nay việc đầu tư phát triển công viên phải trông chờ hoàn toàn vào đầu tư công. Thực tế cho thấy, lĩnh vực này đang rất cần sự đột phá trong quy định và thực hiện, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân trong thụ hưởng không gian xanh công cộng.

m1a-7805.jpg
Người dân thư giãn tại Công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thiếu nguồn lực triển khai

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều người dân chú ý trước thông tin Sở VH-TT đề xuất UBND TPHCM cho phép sân khấu Sen Hồng được sáng đèn trở lại để phục vụ người dân dịp tết. Sân khấu rộng 1ha, mặt sàn 6.000m2, nằm trong Công viên 23-9, giữa trung tâm của thành phố, 4 năm qua đã dừng hoạt động để chỉnh trang công viên.

Cách nay khoảng 5 năm, các cơ quan chức năng của TPHCM đồng ý với kiến nghị trả lại đúng chức năng cho Công viên 23-9 vì mặt bằng bị biến thành sân khấu, cho thuê, khiến cảnh quan nhếch nhác. Ngay sau đó, TPHCM đã tổ chức thi tuyển thiết kế, phê duyệt kết quả thi tuyển và liên tục chỉ đạo khẩn trương di dời, hoàn trả mặt bằng cho công viên. Nhưng đến nay việc chỉnh trang công viên vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết, trong các đồ án quy hoạch, TPHCM có đầy đủ tiện ích công viên cây xanh theo đúng chỉ tiêu quy hoạch. Nhiều khu vực quy hoạch công viên rất lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong khu vực, như Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc, công viên tại Thủ Thiêm, tại phía Nam đường Nguyễn Văn Linh… Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực nên các quy hoạch này chưa được triển khai trong thực tế.

Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, đến nay TPHCM có 405 công viên công cộng, với diện tích khoảng 508ha. Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030 đã đề ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2020-2025 phát triển thêm 150ha, giai đoạn 2026-2030 phát triển thêm 450ha đất công viên cây xanh công cộng, hướng tới chỉ tiêu 1m2 công viên cây xanh/người.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Xây dựng vừa đề xuất đầu tư xây dựng thêm 6 công viên với tổng diện tích gần 800ha, như Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi rộng 485ha, khu lâm viên sinh thái thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 128ha, Công viên Quảng trường Thủ Thiêm 20ha, Công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13ha, Công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150ha, công viên cây xanh thuộc phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8ha.

Thực tế hiện nay, TPHCM sau hàng chục năm nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công viên, cũng mới chỉ đạt khoảng 508ha, với 405 công viên, thì con số 800ha công viên vừa đề xuất thực sự không dễ trở thành hiện thực. Hiện theo các quy hoạch, TPHCM cũng sẽ có gần 11.400ha đất công viên cây xanh. Điều này cho thấy, giữa quy hoạch “trong mơ” và thực tế là một khoảng cách rất xa, trong khi nhu cầu của người dân là rất khẩn thiết.

Linh hoạt trong đầu tư

Khó khăn lớn nhất trong phát triển công viên công cộng tại TPHCM là nguồn vốn. TPHCM không đủ kinh phí để triển khai các dự án xây dựng công viên theo kế hoạch đề ra.

Chẳng hạn, giai đoạn 2020-2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng thêm 150ha công viên, nghĩa là cần thực hiện tối thiểu 54 dự án, với kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay là đầu năm 2024, mới chỉ có 4 dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.590 tỷ đồng.

m5a-7576.jpg
Công viên ánh sáng Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa thể bố trí đủ cho các dự án, thì việc mời gọi tư nhân đầu tư phát triển công viên cây xanh lại chưa thực hiện được. Bởi theo quy định của Luật Đầu tư, công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, công viên là đất do nhà nước quản lý nên phải tuân thủ quy định về quản lý, khai thác tài sản công. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định trong quản lý, sử dụng, khai thác mặt bằng công viên, từ đó phát sinh nhiều vướng mắc trong việc tổ chức các dịch vụ thiết yếu trong công viên phục vụ nhu cầu của người dân như: bãi giữ xe, căng tin, máy bán nước tự động...

TPHCM đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, theo Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã, trong quy hoạch sắp tới sẽ tham khảo các quy chuẩn mới, với thiết kế đô thị “nén” hơn, tiết kiệm không gian, dành quỹ đất cho không gian xanh, sinh hoạt công cộng, để đô thị thông thoáng hơn.

Với mục tiêu xây dựng mảng xanh, ngành quy hoạch đề xuất các phương thức quy hoạch lại các công viên. Hiện quy chuẩn quy hoạch yêu cầu thực hiện các công viên tập trung rộng 5-10ha nhưng TPHCM hiện rất hạn chế quỹ đất, do vậy có thể phân tán các công viên, mảng xanh nhỏ hơn.

“Chúng tôi đề xuất chỉ tiêu linh hoạt hơn, phù hợp với địa bàn TPHCM. Cách làm này linh hoạt hơn là làm các công viên lớn tập trung”, ông Nguyễn Thanh Nhã phát biểu.

Phát triển mảng xanh trong các dự án

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2023, TPHCM phát triển được 8,2ha công viên công cộng, 32,45ha mảng xanh công cộng và trồng mới, cải tạo được 12.495 cây xanh, vượt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, hơn 80% diện tích công viên công cộng thực hiện được trong năm đến từ việc tiếp nhận, quản lý các công viên nằm trong các dự án trên địa bàn thành phố.

Trong đó, mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 là hơn 161.000m2; nhiều dự án nhà ở cũng bàn giao hàng ngàn mét vuông mảng xanh cho nhà nước quản lý.

Trong bối cảnh chưa thể mời gọi đầu tư tư nhân cho lĩnh vực công viên cây xanh, các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần đôn đốc để các chủ đầu tư dự án thực hiện đúng chỉ tiêu mảng xanh theo thiết kế, đảm bảo nhu cầu thụ hưởng của người dân.

Tin cùng chuyên mục