Cân gian

Gần đây, Báo SGGP tiếp nhận hàng loạt phản ánh của bạn đọc liên quan đến nạn cân thiếu, giá ảo tại các điểm bán hàng lưu động, xung quanh trường học, chợ truyền thống… trên địa bàn TPHCM. Mặc dù các cơ quan chuyên trách thường xuyên tập huấn hướng dẫn tiểu thương các chợ không nói thách, cân gian, nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến.
Cân gian

Gần đây, Báo SGGP tiếp nhận hàng loạt phản ánh của bạn đọc liên quan đến nạn cân thiếu, giá ảo tại các điểm bán hàng lưu động, xung quanh trường học, chợ truyền thống… trên địa bàn TPHCM. Mặc dù các cơ quan chuyên trách thường xuyên tập huấn hướng dẫn tiểu thương các chợ không nói thách, cân gian, nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến.

1kg= 600gr

Bạn đọc Mai Vũ Trang (ngụ đường Nguyễn Thần Hiến, quận 4) cho biết: “Những xe bán trái cây, rau củ lưu động bán hàng trời ơi lắm! Mua 1kg về cân lại còn 600gr là chuyện bình thường. Thực tế chẳng có giá rẻ bất ngờ như lời rao quảng cáo đâu!”. Quả thực, đi dọc nhiều tuyến đường, chúng tôi thấy các xe bán nho tươi đều ghi giá 20.000 đồng/nửa kg, có xe ghi 18.000 đồng/nửa kg.

Khá bất ngờ vì cũng loại nho này, trong các cửa hàng đều bán từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg nên chúng tôi ghé một xe đẩy trên đường Nguyễn Văn Cừ hỏi mua 1kg nho. Cầm bịch nho nhẹ hều trong tay, chúng tôi khẳng định với người bán hàng rằng số nho này không đủ 1kg.

Sau một hồi quả quyết cân đủ, thấy chúng tôi nói sẽ mượn cân về đây để cân đối chứng thì người này mới hạ giọng: “Chị thông cảm, tụi em treo giá như vậy là để thu hút khách nên phải chỉnh cân để không bị lỗ vốn. Nếu chị mua đủ ký thì em tính 45.000 đồng/kg vậy, bình thường khách hàng trả giá nào tụi em cũng bán, nhưng phải chỉnh cân để bán mới được”.

Hàng trái cây bán dạo trên xe đẩy tại quận 5, TPHCM.

Dọc các tuyến đường Nguyễn Duy Dương (đoạn qua chợ Nhật Tảo), Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành (đoạn qua chợ Hòa Hưng, quận 10)… có hàng chục điểm bán tự phát “đeo” theo chợ chính. Nhiều tiểu thương kinh doanh trong sạp chợ bức xúc, phản ánh rằng chính các điểm bán tự phát dọc tuyến đường chính đã chặn mất khách hàng, khiến việc kinh doanh của họ gặp khó khăn hơn.

Chị Năm, một tiểu thương chuyên doanh rau củ tại chợ Nhật Tảo, than: “Tuyến đường Nguyễn Duy Dương đoạn chạy qua chợ Nhật Tảo thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm do những xe đẩy trái cây bán dưới lòng đường. Đã vậy những người này bán hàng chất lượng kém, cân thiếu, làm ảnh hưởng uy tín của tiểu thương trong chợ”.

Anh Quang Cơ, ngụ tại đường Đồng Nai, quận 10, bức xúc kể: “Chiều 8-10, tôi mua 2kg táo Mỹ của một người bán dạo bằng xe đẩy trên đường Tô Hiến Thành, trước chợ Hòa Hưng giá 150.000 đồng, có dán tem đầy đủ. Không ngờ về cân lại chỉ còn 1,6kg. Nhẩm tính, tôi bị móc túi 30.000 đồng. Trong khi cũng loại táo này, vợ tôi mua tại siêu thị BigC giá chưa tới 60.000 đồng/kg”.

Cân đối chứng để làm cảnh

Theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15-12-2011, ban quản lý các chợ, thương nhân kinh doanh trong chợ và các trung tâm thương mại có trách nhiệm đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại, để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa. Thế nhưng qua khảo sát thực tế, không ít chợ truyền thống bày cân đối chứng chỉ để làm cảnh; thậm chí, có chợ đã thu hồi cân về bỏ vào trong kho, với lý do khách hàng ít dùng nên cất cho khỏi vướng.

Tại chợ Hòa Hưng (quận 10) có bố trí 2 chiếc cân đối chứng nằm ngay mặt tiền chợ. Một chiếc đặt tại mặt chợ phía đường Cách Mạng Tháng Tám và một chiếc đặt tại mặt chợ phía đường Tô Hiến Thành. Tuy nhiên, quan sát trong suốt buổi sáng ngày 9-10, chúng tôi thấy lượng khách mua hàng tại chợ rất đông nhưng chỉ có vài người đến cân kiểm chứng hàng hóa, thực phẩm.

Còn tại chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Phước Bình (quận 9), chợ Văn Thánh (Bình Thạnh), chợ Tân Lập, chợ Giồng Ông Tố (quận 2), hầu như chẳng khách hàng hay tiểu thương nào biết đến sự có mặt của cân đối chứng. Chúng tôi ghé chợ Tân Lập (quận 2) hỏi thăm về nơi đặt cân đối chứng, ai cũng lắc đầu không biết. Có nhiều người, trong đó có cả tiểu thương ở chợ, dường như lần đầu mới nghe tới cân đối chứng nên hỏi ngược lại chúng tôi “cân đối chứng là sao?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đức Chấp, Trưởng ban Quản lý chợ Nhật Tảo, cho biết: “2 năm trước có cân đối chứng đặt tại 2 đầu chợ. Nhưng sau đó không còn cân đối chứng, vì người tiêu dùng không sử dụng, cân để lâu ngoài trời dễ bị rỉ sét. Bảo vệ chợ không thể trực suốt ngày chỉ để hướng dẫn người mua cân hàng. Tuy vậy, cuối tháng này chúng tôi sẽ đặt cân trở lại để khách hàng có thể chủ động kiểm tra trọng lượng hàng hóa”.

Ông Đào Duy Hài, Trưởng ban Quản lý chợ Giồng Ông Tố (phường Bình Trưng Đông, quận 2) nói: “Từ trước tới nay chợ này chưa được trang bị cân để làm cân đối chứng. Chúng tôi chỉ vận động tiểu thương buôn bán đúng quy định và huy động tiểu thương đem cân tới ban quản lý để kiểm định 2 lần/năm”.

Như vậy quy định về cân đối chứng đã có, nhưng quy trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc chấn chỉnh trước tiên hiện nay chính là địa phương cần nâng cao nhận thức mua bán văn minh cho người bán và người tiêu dùng; trả cân đối chứng về cho các chợ, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người mua hàng.

NGÂN HẠNH - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục