(SGGP).- Tại cuộc họp về nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Cần Giờ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đồng ý quy hoạch 2.500ha (tập trung 4 xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn và Bình Khánh) nuôi tôm thẻ chân trắng thay vì tôm sú như trước. Diện tích có thể nuôi tôm ở Cần Giờ từ 5.200ha đến 6.100ha, trong đó hơn 4.700ha nuôi tôm sú.
Tuy nhiên, do bị dịch bệnh và lây nhiễm nên diện tích cũng như sản lượng tôm sú giảm mạnh, hiện nay ở Cần Giờ có khoảng 800ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ưu thế của loại tôm này là mật độ nuôi dày (trên 100 con/m²), năng suất cao, tiêu tốn thức ăn ít dù giá bán thấp hơn tôm sú nhưng hiệu quả lại cao hơn do thời gian nuôi ngắn (khoảng 2-3 tháng), có thể “bán tỉa” từng đợt thay vì một lần như tôm sú (nếu dịch bệnh xảy ra hạn chế tổn thất).
Điều lo ngại hiện nay là dọc theo sông Lòng Tàu và Soài Rạp ở Đồng Nai, Long An, kể cả TPHCM có nhiều khu công nghiệp nên nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng vùng nuôi tôm.
Đ.C.P.
Khảo sát vị trí xây dựng điểm cảnh báo sóng thần ở Cần Giờ
(SGGP).- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM vừa đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP, UBND huyện Cần Giờ phối hợp cùng Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel TPHCM) tiến hành thực địa, khảo sát, đề xuất các vị trí xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần trên địa bàn TPHCM, cách bờ biển dưới 1km, ở các khu vực đông dân cư, nhà máy, xí nghiệp, công trình quan trọng của quốc gia; khu du lịch ven biển. Trong đó, ưu tiên lắp đặt tại các vị trí như đài truyền thanh (huyện, xã, thị trấn), khu đất trống sử dụng cho mục đích công cộng, trên nóc các tòa nhà kiên cố.
Đ.P.
TPHCM: 76 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh
(SGGP).- Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM, giai đoạn 2005 - 2010 có 76 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật, bao gồm: 9 cơ sở nuôi bò sữa, 38 cơ sở nuôi heo, 3 cơ sở nuôi gia cầm, cùng với 22 phường an toàn bệnh dại. Trong đó, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn-SAGRI) là cơ sở đầu tiên được công nhận ATDB từ năm 2005. Dù dịch bệnh gia súc và gia cầm xảy ra thường xuyên nhưng các cơ sở này đều an toàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh từ các tỉnh, thành tạo áp lực dịch tễ rất lớn cho đàn gia súc TP, ảnh hưởng đến việc mở rộng cơ sở ATDB.
Đ.C.P.
125 triệu USD giải quyết con giống thủy sản
(SGGP).- Mỗi năm ngành thủy sản phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh, chủ yếu do con giống, khi 70% lượng tôm giống sản xuất từ việc đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên, khó kiểm soát chất lượng. Đó là thông tin tại buổi làm việc giữa Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Tổng Cục thủy sản và Ngân hàng thế giới về việc hỗ trợ nguồn vốn ODA cho dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) diễn ra ở TPHCM. Nếu không giải quyết được vấn đề con giống, sau 5 năm nữa ngành thủy sản sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn, dịch bệnh lan rộng. Đó là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB). Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý vay WB khoảng 125 triệu USD đầu tư thiết bị, nhân lực nhằm giải quyết bài toán con giống thủy sản, giảm thiểu dịch bệnh thủy sản đến mức thấp nhất. Một phần của số tiền này sẽ đầu tư cho sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho nhu cầu của người dân.
Đ.C.P.