
Nghị quyết của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa đã được triển khai rộng khắp ở các địa phương từ nhiều năm qua đang từng bước đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những điều cần chấn chỉnh.
Theo tinh thần của Nghị quyết 90/CP: “Xã hội hóa (XHH) là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội.

Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này.
Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách Nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện XHH, bởi vì giáo dục, y tế, văn hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân”.
Theo chủ trương chung của Chính phủ, thực hiện XHH các hoạt động trên là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước.
Công bằng xã hội không chỉ biểu hiện về mặt hưởng thụ, tức người dân được xã hội và nhà nước chăm lo, mà còn biểu hiện cả ở chỗ người dân đóng góp, cống hiến cho xã hội theo khả năng thực tế của từng người, từng địa phương.
Thực hiện công bằng trong chính sách xã hội phải vận dụng các nguyên tắc điều chỉnh và ưu tiên; nhất thiết phải ưu tiên đối với người có công, phải trợ giúp người nghèo, vùng nghèo; người có công, có cống hiến nhiều hơn phải được xã hội và nhà nước chăm lo nhiều hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều trường học được phụ huynh học sinh đóng góp hỗ trợ khá, nhà trường được sửa chữa, xây mới, môi trường sư phạm được bảo đảm, việc học tập của học sinh thuận lợi hơn. Nhiều quận, huyện lâu nay làm tốt công tác XHH giáo dục, được nhân dân, các tổ chức xã hội nhiệt tình ủng hộ là do các nơi này sử dụng tiền đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, cụ thể là con em nhân dân.
Thanh tra Bộ GD-ĐT, khi đi khảo sát tình hình thực hiện việc XHH giáo dục ở thành phố đã ghi nhận: “Nếu không có sự đóng góp của nhân dân thì bộ mặt trường lớp của thành phố không thể như ngày nay”.
Tuy nhiên, cũng không ít nơi, việc huy động đóng góp bị lạm dụng, khiến cho nhiều PHHS phải bất bình. Một số công trình xây dựng trường học từ nguồn kinh phí XHH chưa được đấu thầu công khai, làm cho chi phí công trình cao bất hợp lý. Cuối cùng thì mọi tốn kém, hao hụt không ai khác ngoài người dân phải gánh chịu. Đó là điều cần nghiêm khắc chấn chỉnh sớm.
Thiết nghĩ, việc quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết 90/CP của Chính phủ để hiểu cho đúng, làm cho tốt công tác XHH giáo dục là việc phải tiếp tục thực hiện ở từng cơ sở và trong thời gian lâu dài, nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước.
KHÁNH DUNG