Hiện nay ở phần lớn các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) có đến 1/3 mộ liệt sĩ (LS) vô danh, chưa kể những mộ LS chưa được tìm thấy, quy tập. Gần đây có công nghệ thử ADN để biết đích xác các LS trong nghĩa trang, giúp thân nhân nhận biết và thăm viếng, hương khói. Tuy nhiên, việc thử ADN tốn kém, nhiều gia đình không có điều kiện, do vậy nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thân nhân LS. Ngoài ra, nhiều gia đình LS hoàn cảnh rất khó khăn như neo đơn, già yếu, nghèo nên không thể thực hiện được ước mong tìm kiếm mộ LS, cần trông cậy vào chính sách và sự giúp đỡ của xã hội.
Những năm qua, chúng ta đã tìm được nhiều hài cốt LS, có tên tuổi rõ ràng, trong đó có đóng góp hiệu quả của các đoàn công tác của các tỉnh. Những người giúp tìm kiếm hài cốt LS làm việc bằng cái tâm là chính. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TBXH cũng cần có chính sách hỗ trợ để kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho họ làm tốt hơn, hiệu quả hơn, tìm được nhiều mộ LS vẫn còn nằm lại trên khắp các chiến trường xưa…
Trong chiến tranh, ta và địch thường ở thế cài răng lược. Địch sử dụng phi pháo nhiều nên sau mỗi đợt tấn công đơn vị lại nhanh chóng cơ động để tránh. Khi có người hy sinh, đơn vị thường để lại bộ phận làm sơ đồ vẽ lại nơi chôn cất sĩ tử, nhưng làm vào ban đêm nên phần nhiều không thật chuẩn. Đơn vị di chuyển nhiều cũng mất mát sơ đồ nhiều. Hòa bình lập lại, khi tổ chức quy tập liệt sĩ vào nghĩa trang, các nơi không có điều kiện dựa vào người trực tiếp chỉ huy và người trực tiếp chôn cất nên hài cốt LS đưa vào nghĩa trang vô danh nhiều. Nay, những đồng đội của LS tuổi đã cao, sức yếu, dù có tâm và trách nhiệm cao cũng không tự lực đi xa tìm mộ đồng đội được, dù họ là người trực tiếp chỉ huy, chôn cất LS.
Cần có sự phối hợp đồng bộ, sâu rộng trong các đơn vị chiến đấu, CCB, các đoàn thể MTTQ và nhân dân cung cấp thông tin, tìm kiếm và quy tập hài cốt LS. Mới đây, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với đoàn tìm kiếm của tỉnh Yên Bái, huyện đội, Phòng TBXH cùng MTTQ, CCB và nhân dân huyện Xuyên Mộc quy tập được hàng trăm mộ LS đưa vào các nghĩa trang huyện và nghĩa trang các tỉnh. Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tôi có anh ruột cũng được đưa vào nghĩa trang Xuyên Mộc mà tôi và gia đình đã trên 30 năm tìm kiếm hài cốt không được. Giấy báo tử chỉ ghi anh hy sinh ở mặt trận phía Nam. Hồ sơ tại Phòng chính sách xã hội QK7 có tên anh nhưng chỉ ghi địa danh chiến đấu, hy sinh mà không có tên đơn vị nên việc đi tìm mộ không có phương hướng. Nay tìm được mộ thật là niềm hạnh phúc lớn cho gia đình.
Ngoài ra còn cần chuẩn hóa dữ liệu phần mềm quản lý danh sách bia mộ LS theo hệ thống nghĩa trang từ trung ương xuống địa phương, từ quản trang đến Sở LĐ-TBXH. Những trường hợp sai sót, nhầm lẫn phải kịp thời xác minh, chỉnh sửa họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày tháng năm đi chiến trường, vì LS trùng tên nhiều. Việc cấp giấy giới thiệu di dời hài cốt LS ở nghĩa trang Sở LĐ-TBXH cần kiểm tra, thông suốt, thống nhất giữa hai sở, nơi cấp phép đi và nơi cho bốc, di dời hài cốt về, tránh tình trạng thân nhân LS được phép đi nhận hài cốt về đến sở, nơi quản lý hài cốt LS lại không giải quyết với lý do không có tên LS trong máy tính, trong khi phòng có tên LS nhưng chưa báo cho sở cập nhật. Trường hợp này đã xảy ra, như với LS Nguyễn Hữu Liễu, hy sinh trong trận đánh ngày 7-5-1972 ở Tào Ô, lộ 13. Năm 1998, đồng đội LS Liễu đã nhận mộ, lập bia và báo cho Phòng TB-XH huyện, phòng đã có tên trong máy. Vậy nhưng nay gia đình LS Liễu vào nhận mộ, sở không giải quyết. Cả 3 đồng đội phải xác nhận, viết giấy cam kết, gia đình còn phải quay về lấy giấy giới thiệu của Sư đoàn 7... Từ Bắc vào Nam, nếu không có đồng đội của LS Liễu can thiệp thì gia đình chắc đã về không.
Cựu chiến binh NGUYỄN XUÂN MIÊN (quận 12, TPHCM)