Cần hướng theo chuẩn khu vực

“Công nhân nông nghiệp”
Cần hướng theo chuẩn khu vực

Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Trong các chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra, chúng tôi chú ý đến chỉ tiêu về mặt xã hội mà theo đó, đến năm 2020 thì tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%-70% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1% - 1,5%/năm. Để hoàn thành được những chỉ tiêu quan trọng ấy trong 3 hay 4 năm sắp đến là điều không phải dễ nếu không đưa ra được các giải pháp, chuẩn mực đúng và trúng.

Nhân viên Công ty TNHH Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới (Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM) lắp mẫu hạt giống theo quy chuẩn công nghệ cao. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Công nhân nông nghiệp”

Trước hết là về chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Một điều không khó để khẳng định là hiện nước ta, lực lượng lao động nông nghiệp đang chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí lao động nông nghiệp của riêng nước ta còn cao hơn lao động nông nghiệp của 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) cộng lại. Mặc dù lao động nông nghiệp đông đảo nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP quốc gia của khu vực nông nghiệp đang ngày càng giảm. Có nghĩa, chúng ta có đông lao động nông nghiệp nhưng giá trị tạo ra lại thấp. Do vậy, để kéo giảm được tỷ lệ lao động nông nghiệp, giải pháp mà chúng ta phải tính tới, đó là phải nhanh chóng thực thi chính sách công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp.

Muốn thực hiện được chính sách này, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải tạo dựng được một nền nông nghiệp công nghệ cao. Với nền công nghệ cao, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và tri thức khoa học vào sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo và do đó sẽ sử dụng ngày càng ít nhân công lao động nông nghiệp. Mặt khác, để xây dựng được nền nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta cần tạo ra một tầng lớp lao động nông nghiệp mới có tri thức và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, tầng lớp mới ấy có thể không còn được coi là “người nông dân” theo nghĩa truyền thống mà sẽ là những “công nhân nông nghiệp”. Chỉ khi nào xây dựng được một nền nông nghiệp công nghệ cao thì ta mới có thể kéo giảm được tỷ lệ lao động nông nghiệp và tăng được giá trị của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nói chung.

Giảm nghèo đa chiều

Về mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, theo chúng tôi, việc đào tạo hay cấp bằng, cấp chứng chỉ không khó nếu bằng cấp hay chứng chỉ đó được cấp theo tiêu chuẩn của chúng ta và điều này cũng có thể sẽ không có sự thay đổi thực chất trong tay nghề của người lao động.

Do đó, theo chúng tôi, chúng ta cần hướng đến việc thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tương thích với khung trình độ của các nước trong khối ASEAN, bởi với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vốn cho phép sự dịch chuyển tự do của lao động trong khối, người lao động Việt Nam phải có trình độ tay nghề đạt chuẩn chung của khu vực thì mới có khả năng cạnh tranh công bằng với những người lao động trong khối. Do đó, việc cấp bằng hay cấp chứng chỉ không quan trọng cho bằng chất lượng tay nghề của chúng ta có ngang bằng với các nước trong khu vực hay không.

Về giảm nghèo, mục tiêu của nghị quyết chỉ nói đến việc giảm nghèo mà vẫn chưa nói rõ là chuẩn nghèo được hiểu theo kiểu cũ lâu nay là chỉ dựa trên mức thu nhập hay được hiểu theo nghĩa mới là dựa trên nhiều chiều kích khác nhau (nghèo đa chiều). Vì vậy, để giảm nghèo thực chất, chúng ta cần phải hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều (thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở...) chứ không chỉ là giảm nghèo về thu nhập. Khi đã xác định là giảm nghèo đa chiều thì chúng ta mới có nhiều giải pháp chính xác hơn trong việc giảm nghèo, dù có thể sẽ khó khăn hơn trong mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo, nhưng nếu làm được thì đó là việc giảm nghèo thực chất và toàn diện.

LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục