“Có đường dây mới làm được”, nhắc lại câu nói khẳng định trên của bà Huyền (một lái đất tại ấp 4, xã Xuân Thới Sơn) mà chúng tôi đề cập đến trong bài 1 của loạt bài viết này để cho thấy một thực tế: Công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn các xã của huyện Hóc Môn là “có vấn đề”…
Ai cũng biết nhưng không làm gì được
Ông Th. (xin giấu tên), cán bộ Ban Nhân dân ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, ngao ngán nói với chúng tôi như vậy về những thửa đất lúa mà nhiều hộ nông dân sinh sống bao đời nay, vì thấy lợi đã đem chuyển nhượng cho các đầu nậu đất với giá chỉ 5 - 7 trăm ngàn đồng/m². Sau đó, các đầu nậu chuyển nhượng qua tay vài người và không hiểu bằng cách nào đã nhanh chóng có được quyển sổ đỏ từ mục đích sử dụng “đất trồng lúa” sang “đất ở tại đô thị”. Có được những phần đất béo bở này, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục thửa đất được phân lô mỗi nền từ 70m² - 80m² rồi đẩy giá lên đến cả tỷ đồng/nền. “Không có sự tiếp tay của cán bộ từ xã đến huyện thì những đầu nậu đất không thể làm được điều đó”, ông Th. khẳng định với chúng tôi.
Quyết định 33 của UBND TPHCM quy định diện tích đất tối thiểu để tách thửa tại khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ) đối với đất ở chưa có nhà diện tích phải từ 120m², chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 7m; đối với đất có nhà hiện hữu từ 80m², chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m. Thế nhưng, rất ít trong gần 300 khu phương án hạ tầng ở huyện Hóc Môn thực hiện đúng quy định trên. Không lẽ chính quyền từ xã đến huyện không biết. “Trong hồ sơ lập phương án hạ tầng xin UBND huyện phê duyệt đều có chữ ký xác nhận từ ấp đến xã là đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hiện hữu và phù hợp với quy hoạch. Ngay cả tỷ lệ đất dành cho vỉa hè, cây xanh, đường giao thông… cũng không có khu phương án hạ tầng nào làm đúng, nhưng đều được ký phê duyệt hết”, ông Th. bức xúc nói với chúng tôi.
Một khu phương án hạ tầng đang được phân lô. Hệ thống thoát nước chỉ làm tượng trưng vì không kết nối được với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.
Đúng như lời ông Th., hơn 10 khu phương án hạ tầng mà chúng tôi đi thực tế tại tuyến Thới Tam Thôn 5, xã Thới Tam Thôn, mỗi lô đất hoặc căn nhà được rao bán đều có diện tích dưới 120m², chỉ vào khoảng 70m² đến dưới 80m², chiều rộng mặt tiền phần lớn là 4m, 5m. Ông Đoàn, người rao bán căn nhà trong khu phương án hạ tầng 72 căn ở ấp Tam Đông 2 đưa ra mức giá 1,45 tỷ đồng với diện tích xây dựng là 59,6m². Tại trang 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BY 434177 của nhà ông Đoàn có sơ đồ thửa đất thể hiện đường nội bộ chiều rộng 6m, vỉa hè 1m. Thế nhưng như ông Đoàn nói: “Diện tích đất trong sổ của tôi là 80,7m², tôi xây hết chứ không phải chỉ có 59,6m² như trong giấy ghi đâu”.
Ở khu phương án hạ tầng phía đầu tuyến Thới Tam Thôn 5, gần ngã ba đường Tô Ký đã hình thành một khu dân cư với hơn 20 căn nhà xây khá khang trang. Diện tích đất mỗi căn cũng chỉ khoảng 60m²- 70m². Có lô đất mặt tiền 9m, được một người đàn ông tên Tuấn cho biết, chủ đất cắt ra làm 3 vừa bán với giá gần 2 tỷ đồng. Ông Tuấn khẳng định với chúng tôi, trong khu này ai muốn cắt ra bao nhiêu để xây nhà cũng được, chỉ cần “lót tay” cho chính quyền là xong, tất cả đều có đường dây bảo đảm cho cả người mua lẫn người bán.
Có dấu hiệu nhóm lợi ích
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, trong báo cáo tham luận trình bày trước hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, do Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 8-3 vừa qua. Dù đã chuẩn bị một bài tham luận rất chỉn chu, nhưng khi lên bục phát biểu, ông Cư đã mạnh dạn nói hết những vụ việc có dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ UBND huyện và bộ máy chính quyền trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện thời gian qua. Ông Cư nói: “Khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy, tôi đã đi kiểm tra một số khu vực và phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện Quyết định 33 về phân lô tách thửa. Tôi thấy có dấu hiệu nhóm lợi ích ngay trong bộ máy chính quyền nên đã đưa vụ việc này ra Thường trực Huyện ủy và báo cáo lên cấp trên. Thế nhưng, sau đó tôi bị đánh giá là gây mất đoàn kết nội bộ trong cán bộ, đảng viên, công chức khối chính quyền. Với trách nhiệm là người đứng đầu cấp ủy Đảng bộ Hóc Môn, tôi kiến nghị Đoàn kiểm tra Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nên sớm làm rõ, kết luận đúng sai vấn đề này, có mất đoàn kết nội bộ giữa bí thư, chủ tịch và tập thể thường trực UBND huyện hay không; việc thực hiện tách thửa, phân lô theo Quyết định 33 trên địa bàn huyện đúng hay sai. Nếu phát hiện sai phạm, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm; đồng thời kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu tội phạm phải được xử lý theo pháp luật. Hiện cơ quan điều tra Công an TPHCM đã vào cuộc rồi, tôi tin vụ việc sẽ sớm được làm rõ và xử lý đúng người, đúng tội nếu có hành vi phạm tội”.
Như vậy, những dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân, tổ chức có trách nhiệm ở huyện Hóc Môn bước đầu đã được các cơ quan chức năng làm rõ và sẽ sớm kết luận, xử lý trong thời gian tới. Không chỉ Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư, mà người dân và dư luận xã hội đang trông chờ vào kết quả kiểm tra, điều tra xử lý của các cơ quan chức năng về những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Hóc Môn trong thời gian sớm nhất. Báo SGGP sẽ thông tin kịp thời đến bạn đọc vụ việc này, khi được cơ quan chức năng công bố kết quả xử lý những cá nhân và tập thể liên quan.
HOÀI NAM
>> Bài 1: Những khu dân cư giữa đồng ruộng
>> Bài 2: Ồ ạt phân lô bán nền