Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Đánh giá liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thiểu rủi ro thiên tai, thiệt hại và mất mát” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25-11 vừa qua, tại Hà Nội.
Người dân quận 12 TPHCM trồng tràm chua ven kênh, rạch để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Con người là chủ thể…
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng chiến lược và thực hiện các hoạt động thích ứng, giảm thiểu các tác hại, rủi ro từ BĐKH. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhận thấy những thiếu hụt trong việc xây dựng khả năng chủ động ứng phó với thiên tai, cũng như năng lực rủi ro của con người. Với tư cách là chủ thể của cộng đồng, mỗi người dân đã trở thành chủ thể thực thi việc ứng phó với các rủi ro thiên tai, nhưng đồng thời cũng chính các tác nhân của nhiều hoạt động gây gia tăng thiệt hại từ các thảm họa thiên tai. Như vậy vai trò của con người đặc biệt quan trọng cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình ứng phó và thích nghi này.
Nhận biết được điều này, Việt Nam đã tiến hành một số loại hình hoạt động, biện pháp can thiệp nhằm phát huy vai trò con người trong quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Những hoạt động và biện pháp này đang được triển khai ở tất cả các cấp độ quản lý đất nước.
Theo PGS-TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: xây dựng chiến lược quốc gia về BĐKH lấy con người là trung tâm là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng bởi Chính phủ Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Trong chương trình này, việc phát huy vai trò chủ đạo trong quản lý, điều hành của Nhà nước là thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, còn cần nâng cao tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp, phát huy cao nhất sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng dân cư...
PGS-TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng: “Theo đó một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong chiến lược quốc gia là tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người, phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trên cơ sở đó bảo đảm an ninh con người và phát triển bền vững quốc gia”.
Thể chế thúc đẩy và hỗ trợ
Ngoài ra, những giải pháp khác trong quá trình ứng phó và thích nghi với BĐKH cũng được PGS-TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc đánh giá cao là: xây dựng thể chế, khung pháp lý các chương trình lồng ghép quản lý và giảm thiểu rủi ro vào quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương; xây dựng và thực thi các chương trình mục tiêu ưu tiên là xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH trên cơ sở đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao vốn con người và năng lực cho con người; tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của người dân để ứng phó với các hệ lụy của BĐKH đang được triển khai tích cực ở các địa phương.
|
Theo GS-TSKH Nguyễn Hữu Ninh, Giảng viên bộ môn Biến đổi khí hậu và An ninh toàn cầu của trường Đại học Santiago (Hoa Kỳ) thì với một quốc gia đa dân tộc và cộng đồng cao như Việt Nam, có thể coi chiến lược quản lý rủi ro và thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng đã phát huy được vai trò của con người, chủ thể của các cộng đồng đó - phương pháp luận này được các học giả quốc tế coi là một lựa chọn thông minh của Việt Nam.
GS-TSKH Nguyễn Hữu Ninh cho biết thêm: “Có thể thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản lý rủi ro, giảm thiểu tác hại của BĐKH theo 2 hướng: một là các giải pháp phi công trình (bao gồm các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức và giáo dục đào tạo…); hai là các giải pháp gắn liền với công trình (xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cho an sinh xã hội, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của người dân… Hướng này luôn cần nguồn tài chính rất cao. Nếu dựa vào cộng đồng, nhiều chi phí sẽ được người dân xã hội hóa. Do đó, phương pháp này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả có tính bền vững”.
Vẫn theo GS-TSKH Nguyễn Hữu Ninh, thực tế trong những năm qua ở nước ta cho thấy, hoạt động xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, vừa phát huy được vốn xã hội, phát huy được các thế mạnh và sáng kiến của cộng đồng, vừa tiết kiệm được chi phí từ phía đầu tư công, nhờ ở nhiều khâu quá trình này đã phát huy được hiệu quả của việc xã hội hóa … “Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của con người hay nói cách khác là phát huy tiềm năng sáng tạo của con người, phát huy sức mạnh cộng đồng trong ứng phó BĐKH. Đây cũng là những phương cách mà các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng để ứng phó BĐKH” - GS-TSKH Nguyễn Hữu Ninh khẳng định.
Theo PGS-TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc thì bên cạnh những kết quả đã đạt được từ thực tế nghiên cứu, quá trình ứng phó và thích nghi với BĐKH ở Việt Nam còn gặp một số vấn đề tồn tại và thách thức đang cản trở việc thực thi hiệu quả hoạt động này. Cụ thể, nhận thức về BĐKH của cộng đồng nhìn chung còn phiến diện, nhiều người vẫn chỉ quan tâm nhiều đến các tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới nguyên nhân và vai trò của con người, tới việc cần chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và bền vững.
Những thách thức trên đây đòi hỏi các cấp quản lý và toàn cộng đồng phải có những nỗ lực hơn trong các biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH, song song với phát triển kinh tế nhằm tăng cường phát huy vai trò của người dân trong hoạt động này. Đây là con đường ngắn nhất để chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược thích ứng với BĐKH đang đặt ra.
HẢI NGỌC - CHÂU TUẤN