Căn nguyên từ bệnh thành tích

Căn nguyên từ bệnh thành tích

Vụ gian lận thi cử ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngôi (Lục Nam, Bắc Giang) đang làm dư luận xôn xao. Nhiều bạn đọc đã gửi thư về Báo SGGP bày tỏ sự lo lắng, bức xúc vì hoạt động giáo dục đang bị bệnh thành tích ngự trị và làm xô đẩy những giá trị thực.

  • Còn bệnh thành tích còn gian lận

Là một giáo viên đã nhiều năm đứng lớp, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tôi thực sự bị sốc và đau lòng khi xem video clip gian lận thi cử ở Bắc Giang. Vì đâu hội đồng thi ở đó lại tiếp tay cho việc gian lận thi cử? Nếu không vì bệnh thành tích, vì những con số tròn vo 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT (một tiêu chí quan trọng khi xét xếp loại thi đua của các trường) thì Trường THPT Dân lập Đồi Ngôi đã không bật “đèn xanh” cho tất cả giáo viên, cán bộ coi thi cùng giúp sức cho thí sinh làm bài tốt nhất. Bài thi đã giải được tuồn vào các phòng thi và thí sinh tha hồ chuyền tay, quay cóp tài liệu, bàn thảo với nhau… Còn các giáo viên, cán bộ coi thi - những người có trách nhiệm - thì chứng kiến nhưng cố tình làm ngơ. Thậm chí có giám thị còn tận tình giúp đỡ thí sinh bằng cách đưa bài giải đến tận tay cho thí sinh chép. Thật không thể tưởng tượng được hành vi gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra một cách công khai và có tổ chức như tại đây.

Chúng tôi không khỏi xót xa, đau lòng khi nghĩ đến một bộ phận công dân trẻ bước vào đời bằng sự gian dối, bằng kiến thức giả, hay gọi chính xác là bằng thật - học giả. Mang theo hành trang gian dối này, các em sẽ giúp ích gì cho đất nước, hay lại bổ sung vào đội quân chạy chức chạy quyền, tham nhũng tiêu cực đang bị xã hội lên án. Một khi các công dân trẻ không lĩnh hội được giá trị thật của tri thức thì họ không chỉ tự làm thui chột lòng tự trọng mà còn xem thường ý chí, nghị lực và nỗ lực phấn đấu vươn lên của những người thực tài.

Nhìn vào những hành vi gian lận trong thi cử của các học sinh trong video clip, có thể thấy những bài học đạo đức về lòng tự trọng, trung thực được dạy suốt 12 năm đèn sách của các học sinh này đã bị chính các thầy cô giáo - cán bộ coi thi làm hoen ố, phản giáo dục. Nếu hành vi gian lận thi cử không bị phơi bày, các em sẽ hả hê với tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trong tay và nhà trường cũng ăn mừng với thành tích 100% học sinh lớp 12 thi đậu.

Từ bài học này, Bộ Giáo dục - Đào tạo nghĩ gì về chất lượng giáo dục, thi cử hiện nay? Mức an toàn, nghiêm túc trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT chính xác là bao nhiêu phần trăm, và đằng sau con số này có bao nhiêu vụ việc tiêu cực chưa bị phát hiện? Một khi ngành giáo dục vẫn chạy theo bệnh thành tích và những con số đỗ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, thậm chí cao đến khó tin ở những trường chỉ có mác nhưng thiếu lượng hoặc ở những địa phương không có điều kiện dạy và học tốt, thì nạn gian lận, đối phó trong thi cử vẫn tiếp tục xảy ra.

Thụy Anh (Quận 6, TPHCM)

  • Chưa trị đúng bệnh

Là một phụ huynh có con em thi tốt nghiệp THPT năm nay, tôi thực sự rất buồn khi xem video clip cảnh các thí sinh tại điểm thi THPT dân lập Đồi Ngô ngang nhiên quay cóp, sử dụng tài liệu, chuyền tài liệu cho nhau, trong khi đó, giám thị vẫn bình thản như như không hay biết chuyện gì. Chạnh nghĩ đến cảnh hơn một tháng nay con mình phải thức trắng đêm để ôn luyện cho 6 môn thi một cách khó nhọc, tôi thấy chẳng công bằng chút nào khi chuyện gian lận trong thi cử vẫn diễn ra. Còn nhớ, năm 2006 là năm nhiều tỉnh - thành đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT 100%, song dư luận xã hội không phấn khởi chút nào, mà phải âu lo vì con số “quá hoàn hảo” này trong bối cảnh báo chí đang phản ánh những hiện tượng tiêu cực trong thi cử như việc bắc thang ném bài thi, khi thi xong phòng thi trắng “phao”.

Trước đòi hỏi cấp thiết của xã hội, ngành giáo dục đã phải có những giải pháp cụ thể cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết năm học 2005 - 2006 tổ chức tại TPHCM, 64 giám đốc Sở GD-ĐT của các tỉnh - thành, cùng nhiều giáo viên có thành tích cao trong việc xác lập kỷ cương, trật tự trong thi cử đã sát cánh cùng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Lãnh đạo bộ và các giám đốc Sở GD-ĐT đã cùng ký bản cam kết, và tiếp đó bộ đã chủ trì triển khai cuộc vận động này, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.

Phong trào này đã có tác động tức thì với căn bệnh mãn tính, thể hiện rõ qua những số liệu: năm 2006 nhiều địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, nhưng năm 2007 (lần 1) chỉ đạt 66,7%, trong đó có nhiều địa phương chỉ đạt dưới 50%. Lúc đó, nhiều người tin rằng ngành giáo dục đã trị đúng “bệnh”. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT lại tăng lên: năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước lên 83%, năm 2009 83,8%, năm 2010 lên trên 90% và năm 2011 đến 95,72%. Quả là những con số đáng nể (!?).

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, nên buồn hay nên vui khi những hình ảnh tiêu cực cứ diễn ra ngày một lộng hành hơn, vậy liệu “con cái chúng ta giỏi thật” hay chỉ là do bệnh thành tích đã thâm căn trong ngành giáo dục? Cứ đà này, một vài năm nữa tỷ lệ tốt nghiệp THPT sẽ đạt 100%, như vậy có nên tổ chức thi hay không, có nên lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ để xét tuyển vào đại học - cao đẳng?

Đặng Trung Thành (Tân Kiên, Bình Chánh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục