Điều chỉnh lệch pha giá vàng

Cần nhạc trưởng

Ai quyết định giá vàng?
Cần nhạc trưởng

Giá vàng trong nước và thế giới dù tăng hay giảm cũng luôn chênh lệch ở mức khá cao. Điều này gây khó khăn trong việc điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ của cơ quan chức năng. Để ứng phó, Chính phủ đã có chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng trên thị trường với mong muốn xóa bỏ chênh lệch này.

Người dân chọn mua vàng nữ trang. Ảnh: Lã Anh

Người dân chọn mua vàng nữ trang. Ảnh: Lã Anh

Ai quyết định giá vàng?

Phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp (tính trong tuần đã giảm 3,72%), nhưng giá vàng niêm yết cuối tuần của các thương hiệu trong nước gần như không thay đổi nhiều so với những ngày đầu tuần. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá thế giới lên đến 2 triệu đồng/lượng. 

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho rằng, tình trạng lệch pha giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện nay khá xa không phải do cung - cầu. Thị trường vàng trầm lắng, giao dịch thấp nên các công ty kinh doanh vàng luôn có xu hướng chờ giá cao để tránh rủi ro vì thị trường vàng luôn biến động. Hơn nữa, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá vàng đã giảm khoảng 2 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp (DN) đã mua vàng tại thời điểm giá cao nhưng thị trường không giao dịch nhiều nên còn tồn, nếu bán giá thấp sẽ lỗ nên họ sẽ không giảm giá bán. Thêm một yếu tố nữa, thông thường, khi giá vàng trong nước biến động sẽ kéo theo cơn sốt giá USD. Nhưng thời gian qua, tỷ giá USD trên thị trường tự do được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát tốt nên khi quy đổi giá vàng theo tỷ giá USD hiện tại đã tạo thêm khoảng cách chênh lệch này. “Tuy nhiên, người dân phải mua vàng với giá chênh lệch lên đến 2 triệu đồng/lượng thì rất thiệt thòi vì giá cao, trong khi chi phí sản xuất lại thấp” - ông Đỗ Minh Phú nhìn nhận.

Giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới nên sức mua giảm. Ảnh: Diễm Thy

Giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới nên sức mua giảm. Ảnh: Diễm Thy

Không nhập vàng vẫn bình ổn

Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, tình trạng giá vàng trong nước điều chỉnh không kịp giá thế giới đã diễn ra trong một thời gian dài vì NHNN đang tạm ngừng nhập khẩu vàng để hạn chế nhập siêu, kiềm chế lạm phát. Sự chênh lệch giá vàng do thị trường trong nước và thế giới không liên thông với nhau. Tâm lý nắm giữ vàng trong dân còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khủng hoảng, người dân vẫn giữ vàng để đảm bảo giá trị tài sản của mình nên dù giá vàng trong nước cao hơn thế giới nhưng họ vẫn mua.

Liệu NHNN có phải tiếp tục nhập vàng để bán nhằm bình ổn thị trường, xóa bỏ chênh lệch giá vàng? Về việc này, ông Đỗ Minh Phú cho rằng hiện nay, lượng vàng trong dân rất nhiều, khoảng 300 - 500 tấn, lượng vàng trong các ngân hàng thương mại cũng rất lớn, trong khi đó nhu cầu của người dân chỉ ở từng thời điểm nhất định. Do đó giải pháp nhập vàng chỉ mang tính nhất thời chứ chưa căn cơ để có thể xóa chênh lệch giá vàng. “Tôi cho rằng, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện để can thiệp thị trường, xóa bỏ chênh lệch giá vàng mà không cần tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, đó là cung ứng đủ lượng vàng cho thị trường” - ông Phú nói. Các DN không thể nào tự làm được việc này vì không chỉ ngại rủi ro mà cũng không DN nào đủ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa kể DN có những động thái làm méo mó thị trường để phục vụ lợi ích riêng. Chính vì thế, NHNN phải liên kết những DN, các NHTM đang nắm giữ vàng, có hệ thống phân phối để chuẩn bị một lượng vàng lớn. Khi có đủ lượng vàng cung ứng, thị trường nhận thức được việc không bao giờ thiếu vàng thì lúc đó thị trường sẽ bình ổn. Và để làm được việc này không thể thiếu vai trò nhạc trưởng trong việc đưa ra hệ thống kiểm soát giá và sự quản lý tốt nhất của NHNN.

  • Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam:

"Giới chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao và đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm 2012. Do đó, giá vàng trong nước có khả năng tăng cao hơn nữa so với hiện nay. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lớn hay nhỏ phụ thuộc trực tiếp vào cơ chế điều hành của Nhà nước đối với thị trường vàng nói riêng và công tác điều hành chính sách vĩ mô nói chung"

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục