Cần nhiều điều chỉnh, bổ sung

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-2014, đến nay Thông tư 30 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học đã bước đầu tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong yêu cầu đổi mới giảng dạy ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, Thông tư 30 vẫn cần có thêm nhiều điều chỉnh, bổ sung để đạt hiệu quả tốt và nhận được đồng thuận cao hơn từ xã hội.
Cần nhiều điều chỉnh, bổ sung

Một năm thực hiện Thông tư 30

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-2014, đến nay Thông tư 30 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học đã bước đầu tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong yêu cầu đổi mới giảng dạy ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, Thông tư 30 vẫn cần có thêm nhiều điều chỉnh, bổ sung để đạt hiệu quả tốt và nhận được đồng thuận cao hơn từ xã hội.

Giải tỏa áp lực cho học sinh

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học là giúp định hình năng khiếu, phẩm chất và năng lực của học sinh chứ không phải chú trọng đào tạo kiến thức uyên bác. Do đó, sự ra đời của Thông tư 30 quy định về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, trong đó thay việc cho điểm bằng ghi nhận xét đã giúp xóa bỏ sự phân biệt học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, giúp các em không bị mặc cảm hoặc áp lực về điểm số. Bên cạnh đó, phương pháp kiểm tra, đánh giá mới còn giúp giáo viên kịp thời phát hiện tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và chỉ ra những hạn chế nhằm hướng dẫn, giúp đỡ các em vươn lên trong học tập.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo yêu cầu của Thông tư 30 giúp học sinh trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập

Giải thích điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Định (quận 12), cho biết, trước đây học sinh tiểu học luôn được đánh giá bằng điểm số. Qua đó, giáo viên và phụ huynh đánh giá năng lực học tập của các em. Vô hình trung, điều này tạo cho các em sự so sánh điểm với bạn, sợ cha mẹ la mắng khi điểm số không cao khiến các em mất dần tự tin vào bản thân ngay từ lứa tuổi tiểu học. Từ khi chuyển sang hình thức kiểm tra, đánh giá mới, học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình học tập. Kết quả sau năm đầu tiên thực hiện thông tư mới, toàn trường có 100% học sinh được công nhận đạt cả hai tiêu chí phẩm chất và năng lực, trong đó có 726 em được khen thưởng, chiếm tỷ lệ 83,4% tổng số học sinh toàn trường.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, trong năm học qua, các quận, huyện đã tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện sổ theo dõi chất lượng giáo dục nhằm giúp các thầy cô nhẹ nhàng hơn trong việc thực hiện sổ sách chuyên môn. Từ năm học 2015-2016, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thông tư này đối với học sinh ở các trường khuyết tật, học sinh đang học hòa nhập tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn. Theo đó, sổ kế hoạch cá nhân sẽ được dùng thay cho sổ theo dõi chất lượng giáo dục để giảm nhẹ gánh nặng sổ sách.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Tại văn bản tổng kết việc triển khai và thực hiện Thông tư 30 cuối năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT TPHCM gửi Vụ Giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT, TPHCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét và ban hành nội dung bổ sung Thông tư 30 đối với những nơi có sĩ số học sinh đông theo hướng đối với những môn ít tiết, chỉ cần nhận xét học sinh cá biệt hoặc học sinh có năng khiếu để giảm bớt áp lực công việc cho giáo viên. Nguyên nhân của đề xuất này là do hiện nay, giáo viên chủ nhiệm phải dạy nhiều môn trong cùng buổi học nên việc nhận xét thường xuyên (bằng lời trực tiếp) đã tạo ra áp lực về mặt thời gian, sức khỏe đối với giáo viên, dẫn đến nhận xét trùng lắp, chưa mang tính cá thể hóa. Các trường hiện đang khuyến khích giáo viên thực hiện cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế, chưa quen hình thức nhập liệu trực tuyến nên hiệu quả chưa như mong đợi. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Định (quận 12), một số cha mẹ học sinh chưa hiểu mục đích của cách đánh giá theo Thông tư 30 nên thời gian đầu khi thấy con không được chấm điểm đã yêu cầu giáo viên cho thêm điểm để phụ huynh biết sức học của con, gây khó cho giáo viên.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay đa số các nơi đều làm tốt nhưng vẫn còn một số quận, huyện cứng nhắc trong việc thực hiện công tác quản lý, tạo áp lực cho giáo viên. Vị này cho biết: “Sở đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, chỉ đạo của sở, trong đó tập trung vào việc đổi mới công tác quản lý, giảm các thủ tục, hồ sơ hành chính, khuyến khích giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, đồng thời tuyên truyền trong nội bộ ngành, phụ huynh và xã hội để tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học”. Riêng đối với công tác ra đề thi cuối học kỳ 1 và cuối năm học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, trong năm học tới, sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn ra đề thi cho giáo viên, đồng thời xây dựng ma trận đề thi để giúp các trường “chuẩn hóa” đề thi ở đơn vị mình.

Như vậy, sau gần một năm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới, nhìn chung công tác kiểm tra, đánh giá đã đi vào ổn định. Từng bước, giáo viên đã quen dần với phương pháp đánh giá mới, khắc phục được một số hạn chế, khó khăn ở giai đoạn đầu, giúp không khí trường, lớp trở nên sinh động, thân thiện hơn. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có thêm nhiều chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để việc thực hiện có thể đi vào chiều sâu và đạt nhiều hiệu quả.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục