Cần nhìn nhận công bằng hơn

Chỉ còn nửa tháng nữa, các sĩ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các thí sinh sẽ thi 6 môn: văn, toán, ngoại ngữ, vật lý, sinh học, địa lý. Điểm đáng mừng đây là năm thứ 3 liên tiếp môn địa lý có mặt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sở dĩ tôi nói đó là điều đáng mừng vì địa lý lâu nay đã và đang bị các học sinh (HS), thậm chí cả giáo viên cho là môn phụ. Vậy nên hiểu “khái niệm” môn chính, môn phụ thế nào? Hiện nay có nhiều cách phân chia chính - phụ, tuy nhiên cách hiểu được nhiều người “áp dụng” là môn nào thuộc ban khoa học tự nhiên (KHTN) và ngoại ngữ (tiếng Anh) là môn chính, thuộc khoa học xã hội (KHXH) là môn phụ.

Tôi không đồng ý cách phân biệt môn chính, môn phụ vì thực tế không có chuẩn mực nào để đánh giá tầm quan trọng của môn nào hơn môn nào. Tại sao toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh là môn chính mà văn, sử, địa, giáo dục công dân... là môn phụ, trong khi tất cả các môn học này đều được tính điểm với các cột điểm riêng, độc lập và bình đẳng lẫn nhau (riêng hai môn cơ bản là toán, văn được nhân hệ số 2). Phải chăng có sự phân biệt “đẳng cấp” giữa KHTN và KHXH? Chẳng lẽ môn lịch sử, môn học cung cấp cho HS truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu đất nước là môn phụ? Chẳng lẽ môn văn, môn học rèn luyện khả năng ngôn ngữ, trau dồi tâm hồn con người, cung cấp những hiểu biết về cuộc sống, xã hội cũng là môn phụ?

Nhiều HS nói rằng kiến thức môn KHXH ở nhà trường hiện nay khô khan, không áp dụng được trong cuộc sống nên học rất chán. Tôi nghĩ đó là một lý do không chính đáng và có phần ngụy biện. Bởi nếu nói vậy, các kiến thức về tích phân, đạo hàm, lượng giác... của các môn KHTN cũng không áp dụng trong thực tế, vì sao HS vẫn rất chăm học? Nguyên nhân cơ bản là các môn KHTN hiện nay được coi là các môn thời thượng, vì học, thi các môn này, HS dễ dàng tìm kiếm được công việc lương cao. Khó có thể trách HS, có chăng là tâm lý của cả xã hội đã tác động lên các em. Mặt khác, chính nhà trường cũng góp phần tạo nên tâm lý này ở các em HS và phụ huynh. Ở một số trường, đặc biệt là trường chuyên, các thầy cô thường “thả” cho HS các môn phụ này để tập trung cho các em các môn học chính để đi thi mang thành tích về cho nhà trường.

Trước khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô đã đoán các môn thi của năm nay, tập trung ôn cho các em những môn đó và bỏ qua các môn học còn lại. Không chỉ có môn học bị phân biệt, ngay cả thầy cô dạy các môn này cũng bị phân biệt. Ví dụ, một giáo viên dạy toán luôn có “giá” hơn giáo viên dạy văn. Mặt khác, xã hội hiện nay đang chạy đua theo giá trị kinh tế, kỹ thuật mà để có nó cần học, thi cử bằng các môn KHTN. Trong khi đó, giá trị nhân văn lại bị xem nhẹ, vì vậy HS hiện nay sau khi tốt nghiệp phổ thông ít hiểu biết về kiến thức văn hóa xã hội và kém về kỹ năng ứng xử.

Thiết nghĩ cần có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về các môn học từ quý phụ huynh, cách dạy học nghiêm túc từ nhà trường để mang lại sự công bằng giữa các môn học KHTN và KHXH. Có như vậy đất nước ta mới có những công dân trẻ toàn diện kiến thức khoa học lẫn kỹ năng sống, nhiệt huyết và tình yêu đất nước.

LÊ ĐẶNG
(Quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục