Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đại biểu lưu ý về chất lượng đào tạo tiến sĩ. Rất nhiều năm qua, dù nước ta có rất nhiều tiến sĩ nhưng lại có quá ít phát minh, sáng chế. Mặt khác, cũng vì sính bằng cấp mà nhiều cán bộ đánh mất lòng tự trọng, cố gắng chạy chọt để có được tấm bằng tiến sĩ, thậm chí khai man, tự phong mình là tiến sĩ.
Theo số liệu của Bộ Khoa học - Công nghệ, nước ta có khoảng 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ. Thế nhưng, PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ của nước ta nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới”. Thực tế nước ta có quá nhiều tiến sĩ nhưng ít đóng góp cho quốc tế, thiếu các công trình khoa học tầm cỡ và teo tóp các sáng chế. Điều đó cho thấy sự đào tạo học vị tiến sĩ ở nước ta còn rất yếu kém và cũng không loại trừ khả năng mua bằng.
Trong khi tiến sĩ nước ta thiếu những phát minh thiết thực thì nhiều người không hề có bằng tiến sĩ lại cho ra đời các sáng chế được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Ông Hồ Văn Luyện (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chế tạo máy vớt lục bình dùng hút, xén, băm nhỏ lục bình và sau đó phân hủy thành phân hữu cơ. Ông Lương Văn Đồng (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chế tạo máy cày đa năng dùng vun luống, xén cỏ, gieo hạt thay vì dùng nhiều công cụ khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Lộc Châu, Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) chế thiết bị chống trộm nông sản được kết nối điện thoại cá nhân. Ông Nguyễn Văn Hai (phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) có đến hàng chục phát minh, nổi bật nhất là máy tuốt củ lạc. Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) có 2 công trình ấn tượng là công nghệ nấu bột giấy theo quy trình nhiều bậc sử dụng hóa chất, và máy sấy nông sản và vật liệu xây dựng kiểu đứng.
Lẽ ra, những công trình kể trên phải chính tay các giáo sư, tiến sĩ sáng chế, phát minh ra. Và nông dân mới là người ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng mọi việc lại đảo ngược. Người dân muốn giảm bớt những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đã không ngần ngại mày mò, tìm tòi suốt nhiều năm để cho ra đời những sáng chế hoàn thiện, ứng dụng nhiều trong đời sống.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã bức xúc nói về sự yếu kém của công nghiệp nước nhà: “Ta đào tạo được tiến sĩ sao không làm được con ốc vít cung ứng cho Samsung?”. Vì ốc vít khi sản xuất phải đúng theo quy cách, tiêu chuẩn quốc tế; còn bằng tiến sĩ chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Vì vậy nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc nghiên cứu phát minh, sáng chế thiết thực.
NGUYỄN THANH VŨ
(Tân Phú, TPHCM)