Với mức thu nhập thấp, cuộc sống của công nhân tại TPHCM còn nhiều khó khăn. Để hỗ trợ các gia đình thanh niên công nhân (TNCN) giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cuộc sống, từ năm 2014, Trung tâm Hỗ trợ TNCN TPHCM đã triển khai chương trình “Căn phòng mơ ước”.
Mô hình thiết thực
Là một trong những người “khai sinh” chương trình “Căn phòng mơ ước”, anh Thổ Hoài Phong, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống (thuộc Trung tâm Hỗ trợ TNCN), chia sẻ: “Tiếp xúc với công nhân từ các vùng miền xa xôi vào TPHCM kiếm sống, tôi chứng kiến nhiều gia đình vừa lãnh lương đã hết sạch vì phải trả những món nợ gối đầu. Do vậy, chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp các gia đình TNCN bớt khó khăn và có được nền tảng để ổn định dần cuộc sống. Sau nhiều cuộc họp nhóm, dự án “Căn phòng mơ ước” ra đời và thành một điểm tựa cho các gia đình TNCN”. Các thành viên Trung tâm Hỗ trợ TNCN chia nhau tới các khu lưu trú công nhân, các nhà trọ để vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền phòng, đồng thời gõ cửa các đơn vị trên địa bàn chung tay hỗ trợ. Hiểu được ý nghĩa của “Căn phòng mơ ước”, nhiều đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, cũng có những chủ nhà trọ đồng ý hỗ trợ 50% - 100% tiền phòng.
Căn phòng trọ đầu tiên trao cho gia đình Nguyễn Văn Hồng và chị Trần Thị Thanh Trúc (trọ tại khu lưu trú số 25 đường số 1, khu phố 14, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) vào tháng 6-2014 đã tạo được hiệu ứng tốt và lan tỏa tới các chủ nhà trọ khác. Từ đó đến nay, trung tâm đã trao 27 căn phòng trọ cho các gia đình TNCN, với trị giá hỗ trợ từ 8 - 17 triệu đồng/căn/năm. Để thực sự là căn phòng mơ ước, Trung tâm Hỗ trợ TNCN còn kết hợp với các đơn vị trên địa bàn vận động sơn, vật liệu xây dựng để sửa sang lại phòng, kêu gọi các nhà tài trợ tặng các vật dụng cần thiết như bếp gas, quạt, ti vi, tủ thuốc và nhu yếu phẩm. Đối tượng được hỗ trợ căn phòng mơ ước là những gia đình TNCN chăm chỉ, hiền lành, tổng thu nhập dưới 7 triệu đồng/tháng. Mục tiêu mỗi năm Trung tâm Hỗ trợ TNCN sẽ hỗ trợ 10 căn phòng cho 10 gia đình và tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để nhiều hơn nữa các gia đình công nhân được nhận hỗ trợ từ mô hình này.
Thiết thực giúp công nhân an cư
Trước đây, cứ đến kỳ đóng tiền nhà là gia đình anh Thân Văn Tập và chị Huỳnh Thị Thảo Hiền (tạm trú tại khu lưu trú văn hóa số 40, địa chỉ 615 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7) lại phải vay mượn bạn bè rồi trông vào kỳ lương sẽ trả. Giật chỗ này vá chỗ kia nên vừa nhận lương xong đã hết. Cuộc sống của gia đình anh Tân cứ thế trôi đi, chẳng bao giờ dư được đồng nào để phòng khi hữu sự. Anh Tân làm quản lý cho khu lưu trú, còn chị Hiền làm công nhân tại Công ty May Nhà Bè, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 7 triệu đồng, không đủ trang trải tiền ăn, tiền nhà, điện, nước, tiền học hành cho con và gửi về phụ cha mẹ già ở quê.
Anh Thân Văn Tư và chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (thứ tư và thứ năm từ phải qua) hạnh phúc khi nhận căn phòng mơ ước
Ngày vợ chồng anh Võ Văn Tú (công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2) và chị Nguyễn Thị Nhung (công nhân Công ty Frinta) nhận được căn phòng mơ ước, cả xóm trọ tại khu lưu trú văn hóa số 7 (1231/13 Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) vui như có hội. Do làm việc nặng, anh Tú bị đau dây thần kinh cột sống, sức khỏe yếu, công ty cho nghỉ. Vì vậy, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền và thuốc men điều trị cho chồng dồn cả lên vai chị Nhung. Gia cảnh của anh Tú khó khăn, bao năm nay cả xóm trọ ai cũng biết, nhưng cùng cảnh công nhân nên chẳng đỡ đần được gì ngoài những lời động viên. Từ đề nghị của công nhân trọ tại khu lưu trú văn hóa số 7, gia đình anh Tú được Trung tâm Hỗ trợ TNCN hỗ trợ căn phòng mơ ước, miễn phí 1 năm tiền nhà. Anh Tú tâm sự: “Bao năm nay gia đình tôi sống trong căn phòng trống trơn, chẳng có gì giá trị. Giờ căn phòng ấy được sửa sang khang trang hơn, được các nhà tài trợ tặng ti vi, quạt, chiếu…, gần như đầy đủ các vật dụng thiết yếu, gia đình tôi vui lắm, nhất là con gái tôi líu lo ca hát suốt ngày trong căn phòng mới”.
Tương tự, gia đình anh Thân Văn Tư - chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (tạm trú tại khu lưu trú văn hóa số 41, địa chỉ B23/474F, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cũng đang từng bước ổn định cuộc sống khi được hỗ trợ căn phòng mơ ước. Mới đây nhất, gia đình anh Nguyễn Văn Nhân - chị Tô Thị Chính đang tạm trú tại khu lưu trú văn hóa số 23 (địa chỉ G15/30A, ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) và gia đình anh Trần Văn Chống - chị Lê Thị Tuyết Nhung tạm trú tại khu lưu trú văn hóa số 26 (địa chỉ 217, tổ 10, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12) cùng nhận được căn phòng mơ ước trong niềm hân hoan của bạn bè, đồng nghiệp.
| |
THU HƯỜNG
Các tin, bài viết khác