Mặc dù đã có cảnh báo từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng “Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam” nhưng từ đầu tháng 7-2014, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã hợp tác với Công ty TNHH Bit2C (Israel) chính thức ra mắt Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, sàn giao dịch này đã thu hút trên 1.700 thành viên và tiến hành giao dịch bình thường trong khi phía các cơ quan quản lý dường như vẫn lúng túng trong việc xử lý.
Giao dịch công khai hay ẩn giấu?
Ngày 23-7, trên trang web www.vbtc.vn là sàn giao dịch do Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam (địa chỉ tại 129F/123/52A Bến Vân Đồn, P8, Q4, TPHCM) cung cấp, giá của đồng Bitcoin được công bố là 13.492.425 đồng/Bitcoin (mua) và 12.000.000 đồng (bán).
Trên một trang web khác cũng do Bitcoin Việt Nam cung cấp là www.bitcoinvietnam.com.vn, mức giá mua là 13.306.600 đồng/Bitcoin; giá bán là 13.015.600 đồng/Bitcoin. Trang web này cũng công bố các tiêu đề về giao dịch đồng Bitcoin là “hợp pháp”, “an toàn”, “thanh khoản”... Số thành viên tham gia sàn giao dịch, theo công bố trên trang web này, tính đến ngày 23-7 là 1.745 thành viên.
Ngay sau khi sàn giao dịch trên ra mắt, trao đổi với báo chí, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN khẳng định cơ quan này không cấp phép hoạt động cho sàn giao dịch Bitcoin nào và đến giờ vẫn không công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp lệ tại Việt Nam.
Ông Tiên cho biết, sẽ thông báo cho cơ quan công an xử lý những người vận hành sàn giao dịch này. Sau đó, phía Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã có phản hồi cho rằng: “Thay vì tìm hiểu Bitcoin và đưa ra các dẫn chứng luật thuyết phục, ông Bùi Quang Tiên đã đe dọa công ty một cách không cần thiết. Trong khi các quan chức Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy thương mại quốc tế thì việc làm của ông đang đe dọa những nỗ lực này khi tìm cách gây khó khăn tới những công nghệ mới như Bitcoin”.
Theo bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam, do đồng Bitcoin chưa được Nhà nước thừa nhận nên công ty này không thể đăng ký thẳng nghiệp vụ kinh doanh đối với Bitcoin, mà phải đăng ký với cơ quan quản lý ngành nghề hoạt động của mình là “kinh doanh máy vi tính, phần mềm” để đưa Bitcoin vào đó.
Còn đối với sàn giao dịch thì cho Bitcoin ẩn vào hình thức “đại lý môi giới đấu giá”, do thực tế, Bitcoin Việt Nam chỉ giữ vai trò kết nối giữa người mua và bán Bitcoin. “Chúng tôi chờ đợi Nhà nước thay đổi quan niệm và cho phép kinh doanh để được đăng ký thẳng nghiệp vụ kinh doanh Bitcoin thay vì phải ẩn giấu như thế này” - bà Phương nói.
Phía Bitcoin Việt Nam cũng cho rằng, việc Nhà nước cấm giao dịch Bitcoin là hoàn toàn không khả thi. Dù có cấm đến mức nào thì người dân vẫn có khả năng tự trao đổi Bitcoin với nhau mà không cần thông qua bất kỳ một trung gian nào khác. Ngoài ra, khi cấm Bitcoin thì đồng thời Nhà nước cũng phải cấm các phương tiện dùng để thanh toán điện tử khác như Paypal, Vcoin (VTC), thẻ điện thoại...
Sẽ có các quy định quản lý tiền điện tử
Trong một thông báo đưa ra hồi đầu năm nay, NHNN cho biết: theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Tuy nhiên, việc quản lý giao dịch đồng Bitcoin đến nay dường như vẫn dừng ở mức độ khuyến cáo, vì thực tế vẫn chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh và giao dịch trên thị trường vẫn đang diễn ra.
Trao đổi về hiện tượng trên, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính - tiền tệ và đầu tư, Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay như Luật NHNN, Pháp lệnh Ngoại hối, NĐ-CP101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt “không có quy định cho phép phát hành, lưu thông, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán, do Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp được công nhận tại Việt Nam”; Nghị định 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử cũng không coi tiền ảo Bitcoin là hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch điện tử.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, các giao dịch mua bán, thanh toán bằng các loại tiền điện tử được thực hiện qua internet nhanh chóng, thuận tiện, không kèm theo yêu cầu giấy tờ, chứng từ, đã tạo thuận lợi rất lớn cho khách hàng, nên được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch mang tính “ẩn danh” cao, thanh toán không qua hệ thống ngân hàng, không được kiểm soát nên tội phạm dễ lợi dụng và xuất hiện nhiều rủi ro cho người giao dịch, sử dụng phương tiện thanh toán này, như: giao dịch xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ; nếu xảy ra sự cố hacker tấn công mạng hoặc bị đóng cửa... thì các nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại.
Mặt khác, các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng internet, không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm mất dần vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của NHNN, ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN.
“Vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các cơ quan liên quan về thực trạng và giải pháp đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam. Qua đó, kiến nghị với Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các quy định quản lý hoạt động giao dịch, mua bán, thanh toán tiền điện tử trên mạng internet và chế tài xử lý vi phạm đối với các hoạt động này” - Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho biết.
Cụ thể, NHNN cần rà soát, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh, thanh toán tiền điện tử trên mạng internet, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ đối với các hoạt động vi phạm; Bộ Công thương quy định về hoạt động thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và chế tài xử lý vi phạm; Bộ Tài chính quy định về chính sách thuế, phí liên quan đến giao dịch, thanh toán điện tử… Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành điều tra, xác minh, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
HÀM YÊN