Cần sự sẻ chia

Nhân đọc loạt bài “Bác sĩ ngoại khoa – đằng sau những cay đắng”, tôi thấy cần có cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn với đội ngũ bác sĩ vốn trời sinh cho đôi bàn tay mềm mại cầm dao, cầm kéo phẫu thuật chữa bệnh cứu người. Chỉ mỗi điều đó thôi cũng đủ trân trọng. Câu chuyện sau đây cho thấy, nhiều khi bác sĩ ngoại khoa bị đối xử không công bằng và cũng rất cần lên án những hành vi thiếu văn hóa đối với người thầy thuốc.

Vào tối 25-9-2010, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhân T.A.Q. (2 tuổi) bị tiêu chảy cấp. Bệnh nhân T.A.Q. được các bác sĩ theo dõi và chăm sóc tích cực nhưng vẫn bị co giật, sốt cao liên tục và không kiểm soát được bằng thuốc. Bác sĩ khoa hồi sức đã nhanh chóng hội chẩn cùng các khoa nhiễm, tim mạch (vì tiền sử bệnh nhân T.A.Q. bị bệnh tim bẩm sinh (chứng Fallot) và đã từng trải qua phẫu thuật), còn đưa bệnh nhân đi chụp MSCT để tiên lượng xem có bị xuất huyết não, u não hay bệnh lý thần kinh không… Các bác sĩ cũng thường xuyên thông báo tình hình sức khỏe và chỉ định điều trị cháu bé qua từng giai đoạn cho gia đình biết. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh của cháu T.A.Q. hết sức phức tạp nên bệnh nhân đã không qua khỏi. Cháu bé qua đời là sự mất mát, đau thương của gia đình cũng như các bác sĩ, nhân viên y tế khoa hồi sức BV Nhi đồng 1.

Bản thân tôi cũng thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của người nhà cháu bé. Thế nhưng, tôi rất buồn khi chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân hành hung, chửi bới, dọa nạt bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1. Tôi từng chứng kiến cảnh các y-bác sĩ tận tâm tận lực, thức tới 1, 2 giờ sáng, quên ăn quên ngủ để tìm cách giành giật sự sống cho cháu. Lẽ ra người nhà cháu bé phải cảm thông chia sẻ với các y-bác sĩ thì ngược lại, khi hay tin cháu bé qua đời, một người đàn ông (tự xưng là ông nội cháu bé) một tay túm cổ áo bác sĩ Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1, một tay cầm chai sữa đánh vào đầu bác sĩ, miệng liên tục chửi thề. Nhiều người nhà cháu bé như mẹ, bà nội, chú bác… cũng hùa theo chửi mắng bác sĩ. Thậm chí họ còn vớ chổi và cây lau nhà hành hung, đuổi đánh cô điều dưỡng trưởng của khoa khiến cô phải chạy trốn vào phòng vệ sinh. Cứ thế, gần 10 người nhà bệnh nhân đã gây náo loạn cả khoa cho đến gần 5 giờ sáng, chỉ đến khi Ban giám đốc bệnh viện cùng lực lượng công an tới làm việc thì trật tự mới được vãn hồi. Sự việc này khiến cho những thân nhân, bệnh nhân đang có con cháu nằm điều trị tại đây không khỏi bất bình với cách hành xử như vậy của thân nhân cháu bé.

Đành rằng trong ngành y vẫn có những tiêu cực, những con sâu làm rầu nồi canh nhưng nhìn chung phần lớn các y-bác sĩ vẫn tràn đầy tình cảm, tình yêu thương. Rủi ro trong y tế là điều không ai muốn nhưng vẫn còn đó những hạn chế, bó tay trước bệnh tật. Có những bác sĩ cả đời cứu bệnh nhân nhưng oái oăm thay, lại chết vì chính căn bệnh mà họ đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân khác…

Theo tôi, khi nền kinh tế mở cửa, người dân có mức sống cao hơn, có thu nhập tốt hơn, kéo theo yêu cầu được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, thậm chí có những đòi hỏi thái quá. Do đó, để giải quyết vấn đề này, như lời Viện sĩ - tiến sĩ Dương Quang Trung, Luật Hành nghề y là cần thiết và cấp thiết để bác sĩ toàn tâm toàn lực cho việc chữa bệnh cứu người.

LÊ NGỌC THỊNH

>> Bác sĩ ngoại khoa – đằng sau những cay đắng

Tin cùng chuyên mục