Nhiều bà nội trợ dùng chai nước đã uống xong để đựng lại nước lọc rồi bỏ vào tủ lạnh dùng dần. Rồi những hộp nhựa được tận dụng đựng cơm, thức ăn, canh, gia vị... Hay thùng to như thùng sơn vẫn được đem đi rửa sạch rồi trữ nước sinh hoạt.
Thật ra nhà sản xuất đã có ghi rõ ràng bên ngoài hộp, vỏ chai nhựa về việc có thể tái sử dụng hay không theo tiêu chuẩn hóa quốc tế, nhưng người tiêu dùng không để ý nên sử dụng lung tung. Ký hiệu ấy được biểu thị bằng hình tam giác mũi tên (dấu hiệu recycle: tái chế), bên trong có chứa số. Mã số 1 là loại nhựa polyethylene terephthalate (viết tắt PETE hay PET). Mã số 2 là high-density polyethylene (HDPE). Mã số 3 là polyvinyl chloride (PVC), còn gọi nhựa vinyl (V). Mã số 4 là low-density polyethylene (LDPE). Mã số 5 là polypropylene (PP). Mã số 6 là polystyrene (PS). Mã số 7 là polycarbonate (PC) hay loại nhựa nào khác. Trong đó, mã số 1, số 2, số 5 được dùng làm bao bì tiếp xúc với thực phẩm, nhưng chỉ có mã số 2 và số 5 là tái sử dụng được. Những mã còn lại có thể chứa các phụ gia rất độc hại (khi tái sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích). Vì vậy, mọi người nên cẩn thận xem kỹ các ký hiệu dưới đáy hộp khi dùng lại. Đừng vì tiết kiệm mà sử dụng không đúng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và gia đình. Cũng tuyệt đối không nên dùng hộp nhựa đựng thức ăn quá nóng, bởi hàm lượng chất độc monostyren trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều sẽ làm tổn hại đến gan, cũng như gây ra nhiều bệnh khác. Khuyến khích nên dùng hộp thủy tinh, nhôm, sành, sứ, vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường.
Về phần nhà sản xuất, nên ghi thêm dòng chữ dưới đáy hộp (hoặc ở vị trí nào dễ thấy) là hộp này có tái sử dụng được hay không. Vì rõ ràng với những ký hiệu như thế thì ít ai hiểu và nhớ được, dù đã đọc kỹ các mã quy định. Riêng cơ quan chức năng, nên giám sát chặt chẽ việc hiển thị mã ký hiệu trên bao bì nhựa, vì hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất vỏ chai, hộp nhựa nhưng không ghi mã ký hiệu.