Cẩn thận với tin đồn qua internet

Có một thời tin đồn được lan truyền bằng cách rỉ tai: “Có tin đặc biệt, nghe rồi bỏ, đừng nói cho ai biết nha!”. Cứ thế, lời “dặn dò” lại hóa ra là sự “khuyến khích” để thông tin đó lan nhanh, rồi một đồn mười, mười thổi trăm với sự thêm thắt, thêu dệt. Thông tin càng đồn càng sai lệch, méo mó, có thể chẳng có chút sự thật. Tin đồn theo kiểu đó đã từng lan truyền rất nhanh, khiến nhiều người vẫn bán tín bán nghi rằng “không có lửa sao có khói!”, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho xã hội.

Bây giờ, tin đồn kiểu đó vẫn còn nhưng lan truyền không nhanh bằng internet. Hiện có rất nhiều trang mạng đăng những thông tin thiếu kiểm chứng, bằng cách hóng hớt từ các tin đồn, tin vỉa hè, tin hành lang, thậm chí bịa đặt theo ý đồ nào đó. Tin tức, bình luận về đời sống cá nhân của các nghệ sĩ (bị tai nạn, ly hôn, đánh ghen…), về các lãnh đạo doanh nghiệp (làm ăn thua lỗ, trốn đi nước ngoài…), hay về các nhân vật ít nhiều có địa vị xã hội xuất hiện trên mạng không ít. Những thông tin kiểu đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống riêng, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, uy tín cá nhân; nên có người phải “giải độc” bằng thông tin chính thức trên những tờ báo đứng đắn, hoặc xuất hiện công khai ở các sự kiện để chứng minh điều ngược lại… Nhưng cũng có người chọn giải pháp im lặng nếu cho rằng những điều bịa đặt đó không cần phải giải thích. Dù bằng cách nào, thông tin sai lệch này vẫn cứ tồn tại trên mạng, lâu lâu lại được xới lại với dụng ý nào đó.

Những tin đồn nhảm được truyền tải nhanh chóng trên internet, qua các diễn đàn, và nhất là mạng xã hội, với tốc độ lan truyền và sức lan tỏa đậm hơn tin đồn trước đây, ít nhiều tác động đến tư tưởng, dư luận của nhân dân, có thể tạo ra sự hồ nghi, lung lạc niềm tin, nhất là khi thông tin đó được một số cơ quan truyền thông nước ngoài đăng tải lại. Có người nhận xét: Xã hội trong thời buổi bùng nổ thông tin lại khiến người ta thiếu thông tin hơn trước đây. Bởi giữa một “rừng” thông tin với nhiều tình tiết trái chiều, người ta cùng lúc tiếp nhận nhưng không biết thông tin nào đúng, nào sai, nên có nhiều thông tin mà cũng như không, hoặc phải tiếp nhận những thông tin sai lệch. Từ thông tin sai, dẫn đến nhận thức sai, rồi hành động sai, có khi không chỉ thiệt hại cho số ít người mà có thể tác động đến nhiều người trong xã hội.

Vấn đề minh bạch thông tin và thông tin có trách nhiệm đã được đặt ra đồng thời giữa người các cơ quan chức năng, những người đăng tải thông tin và người tiếp nhận thông tin. Các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời những thông tin sai lệch, nhất là các thông tin ác ý, có thể gây tác động lớn trong xã hội (trước đây đã từng xử lý nghiêm trường hợp loan tin Việt Nam có người nhiễm Ebola). Các tổ chức và cá nhân khi thông tin phải thực hiện việc phối kiểm, có dẫn nguồn đáng tin cậy, kể cả khi thông tin ở blog cá nhân, ở trang mạng xã hội. Bản thân người đọc, người tiếp nhận thông tin phải có “bộ lọc” cần thiết, thực hiện việc đối chiếu với các nguồn tin khác, xác định uy tín của nguồn tin và xem xét động cơ của người đưa tin đó.

Trong điều kiện thông tin tràn lan như hiện nay với rất nhiều thông tin sai lệch, ác ý, người đọc phải bình tĩnh, thận trọng khi tiếp nhận thông tin, bình luận hoặc chia sẻ thông tin đó với người khác. Nếu không tự chọn lọc, người đọc có thể vô tình tiếp tay cho kẻ xấu gieo rắc tin đồn nhảm cho nhiều người khác, gây những thiệt hại cho bản thân và xã hội.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục