Dự án ODA

Cần thống nhất đầu mối quản lý

Cần thống nhất đầu mối quản lý

Trên địa bàn TPHCM hiện nay, các dự án ODA đều tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đô thị, xóa đói giảm nghèo. So với giai đoạn 2000-2005, từ năm 2006 đến nay, tiến độ thực hiện dự án đã có nhiều tiến bộ, giải ngân vốn tăng bình quân 25,6%, nhưng quá trình triển khai các dự án còn bộc lộ nhiều yếu kém.

  • Tất cả dự án đều chậm!
Cần thống nhất đầu mối quản lý ảnh 1
Thi công DA VSMT TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Ảnh: Đức Trí

Điểm yếu bày ngay trước mắt người dân thành phố là hàng loạt dự án triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ giải ngân và tiến độ dự án. Nhiều dự án ngổn ngang làm xấu đi cảnh quan đô thị và góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đơn cử như dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây, do đơn vị quản lý ống cấp nước chậm hoàn tất hồ sơ nhận tiền hỗ trợ di dời, tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm nên kéo theo tình trạng không đáp ứng tiến độ thi công của nhà đầu. Theo chúng tôi được biết, thời hạn ODA của dự án này hết hạn vào ngày 17-1-2008, nhưng dự án chỉ thực hiện được 83%, và dự kiến dự án này hoàn thành vào năm 2009 sẽ chậm 1,5 năm so với hiệp định.  

Còn ở dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè), tiến độ giải ngân rất thấp. Cho đến cuối tháng 7 vừa qua nguồn vốn vay OSD mới giải ngân được 10,3% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách giải ngân đạt 30% kế hoạch tạm giao vốn. Cũng vào thời điểm giữa tháng 7-2007, theo  Ngân hàng thế giới (WB), dự án này bị đánh giá tiến độ thực hiện rất chậm và không thể hoàn thành trước ngày 31-12-2007 theo hiệp định cho vay.  WB đã xem xét khả năng hoàn thành của dự án và kết luận tiếp tục gia hạn hiệp định vay đến 31-12-2009. 

Thực tế cho thấy, khi kiểm tra các dựa án ODA trên địa bàn, đa số các dự án đều phải xin Thủ tướng chính phủ gia hạn thời gian thực hiện.

  • Chuyện muôn thuở:năng lực điều hành kém!

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đưa ra phân tích cụ thể: Trong công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn, khảo sát, lập dự án còn rất hạn chế, một số dự án chưa tính đến những dự báo phát triển dài hạn dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và UBND các quận, huyện trong thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. 

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, trong quá trình thực hiện dự án, cơ chế phối hợp giữa các sở ngành chưa nhằm thực hiện giải quyết nhanh vấn đề phát sinh và cũng chưa bố trí cán bộ chuyên trách hoặc đầu mối phụ trách công tác theo dõi và tham mưu về việc vận động, tiếp nhận nguồn vốn và triển khai dự án ODA.

Đáng lo nữa là bộ máy tổ chức và năng lực của các Ban quản lý dự án còn bất cập cập so với yêu cầu. Đánh giá chung cho thấy, phần lớn các Ban quản lý giao toàn bộ vụ việc cho tư vấn mà thiếu kiểm tra kỹ hồ sơ, hoặc không đủ chuyên môn để kiểm tra trước khi trình phê duyệt. Chính vì vậy mà trong quá trình phê duyệt dự án phát sinh nhiều thiếu sót, phải giải trình bổ sung, điều chỉnh nhiều lần dẫn đến thời gian phê duyệt kéo dài. Đáng lo nhất là trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như tư vấn lập kế hoạch tái định cư, đánh giá tác động môi trường, khảo sát nhu cầu đào tạo... vì mức quy định dự toán của Việt Nam thấp hơn mức quy định của nhà tài trợ nên khó chọn được các chuyên gia tư vấn có trình độ cao. Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo tiến độ thực hiện, các Ban quản lý cũng chưa có biện pháp và kế hoạch xử lý để thúc đẩy nhanh tiến độ.

  • Một đầu mối quản lý

Chính vì vậy, các nhà quản lý cho rằng, cần cấp bách thực hiện một đầu mối thống nhất quản lý các dự án ODA, để nguồn vốn này được giám sát chặt chẽ, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả cao nhất.

Đầu mối quản lý này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về định mức chi phí cho công tác tư vấn đấu thầu, lựa chọn tư vấn tốt nhất; tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, khắc phục yếu kém trong khâu thẩm định và thiết kế dự án; hỗ trợ các chủ đầu đầu tư trong quá trình phê duyệt và triển khai dự án bằng việc loại bỏ các thủ tục quản lý đầu tư xây dựng quá rườm rà hiện nay, nhất là tại hai Sở Xây dựng và Quy hoạch kiến trúc.

Đồng thời, nếu có một đầu mối quản lý sẽ dễ dàng xử lý một số vấn đề cách biệt trong quy định giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Đơn cử như theo quy định của Việt Nam, khi có thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư dự án, các thủ tục trình duyệt điều chỉnh dự án hết sức phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Do vậy, nên chăng trong kỳ họp hàng năm giữa Chính phủ và nhà tài trợ nếu có xem xét lại dự án, ký biên bản ghi nhớ thì xem như đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, nếu có. Hoặc theo quy định của nhà tài trợ cho phép sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung thiết kế phát sinh ngoài hiện trường từ 10%-15% giá trị hợp đồng do tư vấn giám sát quyết định. Trong khi đó việc điều chỉnh này theo quy định của Việt Nam phải được các ngành chức năng thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện công trình. Đối với tư vấn giám sát thi công, WB quy định mức chi phí từ 4%-5% giá trị xây lắp, trong khi quy định của Việt Nam chỉ cho chi phí từ 1%-1,5% giá trị xây lắp, nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám sát.

Việc nghiên cứu lại quy định, đề xuất biện pháp khắc phục phù hợp với quy định của nhà tài trợ là rất cần thiết giúp triển khai nhanh các dự án ODA, đồng thời cũng quản lý chặt chẽ nguồn vốn này và mang lại hiệu quả cao nhất.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục