Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Cần triển khai đúng lộ trình

Chậm vì thị trường chứng khoán giảm
Cần triển khai đúng lộ trình

Trong những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa (CPH) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ dường như lo ngại khi đẩy mạnh tiến độ CPH và bán đấu giá cổ phiếu lần đầu trên thị trường. Sự trì hoãn này có nhiều lý do và hiện nay Ban đổi mới Doanh nghiệp TPHCM đang có nhiều nỗ lực để hoàn thành tiến độ trong năm nay.

Chậm vì thị trường chứng khoán giảm

May Việt Tiến, đơn vị lớn trong ngành may đang chuẩn bị cổ phần hóa và rất được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: P.ĐỨC

May Việt Tiến, đơn vị lớn trong ngành may đang chuẩn bị cổ phần hóa và rất được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: P.ĐỨC

Một số doanh nghiệp trong diện sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán, thậm chí đã nộp hồ sơ để thực hiện các bước niêm yết cũng đã có động tác thoái lui khi thị trường chứng khoán đang xuống.

Mới đây hai doanh nghiệp lớn xin rút, trong đó có Công ty cổ phần Điện Quang là một động thái rõ nét. Có thể nhìn thấy, giá cổ phiếu của Điện Quang trên thị trường OTC hiện nay khoảng 385.000-390.000 đồng, tăng gấp 5-6 lần so với giá vào thời điểm cuối năm ngoái, khiến những người đang giữ cổ phiếu này lo ngại, nếu niêm yết trên sàn thì có giữ được giá này hay không.

Việc cổ phiếu Điện Quang tăng giá cao như vậy, bất chấp dự đoán của nhiều nhà đầu tư, nhờ “ăn theo” chương trình tiết kiệm điện năng đang được triển khai ráo riết trên phạm vi cả nước và trên tầm quốc tế. Nhờ nhiều nước bắt đầu hướng đến các chương trình tiết kiệm điện năng, bóng đèn compact siêu tiết kiệm điện năng của Điện Quang được mở rộng thị trường đáng kể với những hợp đồng xuất khẩu mới được ký kết, đã đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp này lên rất cao và có tính thanh khoản tốt trên thị trường.

Nhưng, sự yên tâm này sẽ khó có thể tồn tại trong điều kiện khi niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi sự minh bạch và nhiều cổ phiếu sáng giá khác cũng đang niêm yết trên sàn cạnh tranh quyết liệt.

Đồng thời với việc các doanh nghiệp chậm niêm yết thì cũng làm chùn chân các doanh nghiệp đang tiến hành CPH và bán đấu giá cổ phiếu lần đầu (IPO). Một số doanh nghiệp lớn trong kế hoạch Thủ tướng yêu cầu CPH và niêm yết ngay không hào hứng, trì hoãn với nhiều lý do.

Một số doanh nghiệp cũng đã cố gắng tiến hành bán đấu giá nhưng số lượng các nhà đầu tư đăng ký mua rất ít, số lượng đăng ký mua không hết số cổ phiếu dự kiến đưa ra bán đấu giá nên đành phải rút.

Vì thế, một số doanh nghiệp lớn, thuộc dạng thương hiệu mạnh đã thở phào khi bán hết được cổ phần đưa ra đấu giá, dù với giá thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đây. Trường hợp hai doanh nghiệp dệt khăn và dệt gia dụng thuộc Tổng Công ty Phong Phú, vừa qua khi bán đấu giá chỉ đạt bình quân 13.300 - 13.600 đồng, những người đang điều hành có vẻ hài lòng, nhưng với kỳ vọng của những người trước đây háo hức với thương hiệu Phong Phú thì là một khoảng cách lớn.

Với giá bình quân này đã tạo nên ngưỡng giá mới đối với các doanh nghiệp dệt may, vì vậy các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khó chào được giá cao hơn.

Nhiều người còn nhớ, cũng vào thời điểm khoảng tháng 3-4, thị trường chứng khoán đang “hot”, lãnh đạo Tổng Công ty Rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã phải khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi nhiều người tìm mua quyền mua cổ phiếu của cán bộ công nhân viên công ty khi biết thông tin Sabeco sẽ thuộc diện hoàn tất CPH và đưa ra bán đấu giá cổ phiếu lần đầu vào cuối năm nay, ngay sau đó sẽ thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Mặc dù vào thời điểm đó chưa ai xác định được giá trị doanh nghiệp và thị trường như thế nào nhưng cổ phiếu “non” của Sabeco được mua khoảng 70.000 đồng-80.000 đồng/cổ phiếu. Với giá này có thể hiểu, giá cổ phiếu khi phát hành sẽ vào khoảng 130.000-140.000 đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, một số cổ phiếu của các công ty con của Sabeco đang được rao trên mạng với giá 2.3-2.8, tức là 23.000-28.000 đồng/cổ phiếu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu của công ty mẹ khi bán đấu giá lần đầu.

Trong xu thế như vậy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu lo ngại, chưa muốn CPH ngay vì có thể giá bán cổ phiếu lần đầu thấp dẫn đến ảnh hưởng thương hiệu và tính thanh khoản của cổ phiếu doanh nghiệp mình.

Cần thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình

Với diễn biến như vậy, cùng sự thay đổi một số chính sách CPH nên nhiều doanh nghiệp trong diện CPH cũng giãn tiến độ chờ đợi hướng dẫn mới, nhất là các doanh nghiệp của TPHCM. Sự điều chỉnh trong chính sách thuộc Nghị định 109 có nhiều điểm đã mở ra nhiều hướng cho doanh nghiệp lựa chọn, sẽ có tác động thúc đẩy nhanh hơn tiến độ.

Doanh nghiệp được nhiều quyền chủ động lựa chọn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp như hoặc thuê đất hoặc tính giá trị quyền sử dụng đất… Tuy nhiên, do vẫn thiếu các chính sách phối hợp đồng bộ nên hiện nay vẫn chưa thật sự tạo được động lực mới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Sabeco cho biết, dự kiến đưa quyền giá trị sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp với khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng khu vực văn phòng công ty tại đầu đường Hai Bà Trưng được xác định giá 124 triệu đồng/m2, đã có giá trị trên 800 tỷ đồng. Vấn đề là, hiện nay khu đất này nằm trong danh sách 20 khu đất “vàng” của TPHCM vừa công bố kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, do vậy giá này cũng chưa nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.

Ông Minh khẳng định, dù thế nào thì Sabeco cũng quyết tâm thực hiện đúng tiến độ CPH đã đề ra. Bởi vì theo ông, chỉ có CPH thì mới có thể giúp doanh nghiệp hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn để nâng cao sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn nguồn vốn của nhà nước và các nhà đầu tư. 

Còn ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Vinatex vẫn luôn khẳng định, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang cố gắng hoàn thành đúng tiến độ CPH, nhiều doanh nghiệp đang hoàn thành những bước cuối cùng để đưa ra bán đấu giá cổ phiếu lần đầu vào cuối năm nay.

Do đặc thù của ngành, nếu không nhanh chóng CPH, các doanh nghiệp rất dễ phải đối mặt với các cuộc kiện tụng bán phá giá từ nước ngoài và có thể mất luôn cả thị trường xuất khẩu. Theo ông, thực hiện CPH chính là tái cơ cấu lại tổ chức và tình hình tài chính giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn.    

Ông Phạm Huy Cường, Phó Trưởng ban Ban đổi mới doanh nghiệp TPHCM cho biết, còn nhiều vấn đề cần được thống nhất trong quan điểm để tạo nên hành lang “an toàn” cho các doanh nghiệp thực hiện nhanh hơn tiến độ CPH, trong đó khâu quan trọng và chiếm nhiều thời gian chính là xác định giá trị doanh nghiệp.

Ban Đổi mới doanh nghiệp TP cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành CPH xử lý các vướng mắc về nguồn gốc tài sản để làm nhanh các bước xác định giá trị doanh nghiệp. Ông Cường cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2007-2010.

Do vậy, Ban đổi mới doanh nghiệp TP đang nỗ lực triển khai đúng tiến độ lộ trình này. Trước mắt, ngay trong năm nay sẽ hoàn thành CPH nhà nước không giữ cổ phần chi phối hai doanh nghiệp là Trung tâm Dịch vụ thẩm định giá và bán đấu giá tài sản, Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia, chuyển một số công ty thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên...

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục