Sau nhiều lần Bộ GD-ĐT thay sách giáo khoa (SGK) nhưng quá tải vẫn hoàn quá tải khiến dư luận bức xúc. Năm học 2011-2012, bộ đã triển khai giảm tải chương trình từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên sau hơn 5 tháng triển khai, ghi nhận từ các trường cho thấy việc giảm tải còn vụn vặt, thiếu logic, và dường như chỉ là cách đối phó nhằm làm “hài lòng dư luận”.
Không hiệu quả
Ngay từ khi có thông tin sẽ cắt bớt chương trình SGK để giảm tải cho học sinh, cả xã hội đã phấn khởi chào đón với hy vọng chuyện quá tải tiếp diễn trong nhiều năm sẽ được cởi bỏ vĩnh viễn và tin chắc “Giảm tải đợt này là giảm tải thực chất, không hình thức”. Theo Bộ GD-ĐT, mục đích giảm tải lần này là tạo điều kiện học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau một thời gian thực hiện hiệu quả không được như mong muốn. Thầy Trương Xuân Cửu, giáo viên dạy lý Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) cho biết: Đối với những môn khoa học tự nhiên, những phần giảm tải thiếu tính logic, giảm như một cách đối phó. Đặc biệt như môn Vật Lý chủ yếu bỏ phần lý thuyết chứng minh, thay vì trước khi chưa bỏ thì các bài học phải có chứng minh, dẫn giải rồi mới đi đến công thức nhưng hiện nay áp dụng theo công thức luôn nên học sinh chỉ hiểu bài một cách máy móc.
Theo ông, thay vì giảm tải là phải bỏ bớt những kiến thức rườm rà, không cần thiết song cách giảm tải hiện nay rất máy móc, không khoa học khiến cho cả giáo viên và học sinh đều mệt. Giáo viên phải soạn lại đề cương, soạn lại giáo án, còn học sinh thì chả khác “robot” trong học tập. Không ít giáo viên dạy bộ môn khoa học tự nhiên ví von “càng giảm thì càng quá tải”, muốn giảm tải chỉ còn cách mạnh dạn bỏ những bài học không cần thiết, hoặc viết lại SGK chứ cắt giảm như hiện nay khiến học sinh không thể hiểu được bản chất của vấn đề trong bài học.
Thầy Hoài Linh, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng: đối với môn tiếng Anh mới chỉ bỏ được những phần nhỏ, không đáng kể. Ở khối lớp 10 học kỳ 2 này cũng chỉ bỏ mỗi bài 15, trong khi đó vẫn còn nhiều bài có sự trùng lặp về ngữ pháp, văn phạm thì vẫn không bỏ. Do đó việc bỏ bớt hiện nay cũng như không.
Đối với bộ môn Văn học, nhiều giáo viên cho biết, nội dung giảm tải ở môn văn vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn của giáo viên bởi nội dung chương trình vẫn còn quá nặng và còn một số phần bất hợp lý. Một số bài có ý nghĩa thì lại bỏ bớt, còn những bài khó, không phù hợp với lứa tuổi của các em thì lại không bỏ. Ở lớp 6, phần văn bản về “Con rồng cháu tiên” có nhiều nội dung hay, giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước lại bị cắt giảm. Trong khi đó, có những bài như bài “Ẩn dụ và hoán dụ” tương đối khó đối với học sinh lớp 6 đáng lẽ nên giảm để chuyển sang lớp 8 hoặc 9 thì phù hợp hơn nhưng lại không giảm.
Cần đổi đề thi và đáp án
Theo GS Trần Hữu Tá, giảm tải như hiện nay chưa thể gọi là giảm tải. Như môn Văn học ở bậc THCS hiện nay quá nặng, nhiều tác phẩm khó không nên đưa vào bậc học này. Ông cho rằng, cấp THCS không nên biên soạn dựa theo tiến trình văn học sử Việt Nam. Ở lứa tuổi các em liệu có tiếp thu được những bài như Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng Sĩ, Quốc Âm Thi Tập… chưa kể lên bậc THPT những tác phẩm này lại tiếp tục được đưa vào học tiếp một cách lặp lại.
Trong khi đó học sinh lứa tuổi THCS cần phải có những bài văn tươi trẻ, nhẹ nhàng có chiều sâu. Điều này sẽ tạo được hứng thú trong học tập cho học sinh, không bị áp lực bởi những bài học nặng nề chưa phù hợp với lứa tuổi của các em.
GS Trần Hữu Tá khẳng định: Muốn giảm tải phải có một nhạc trưởng. Giảm phải mạnh tay, làm sao cho chương trình sáng và thoáng để tạo hứng thú trong dạy và học. Đối với các môn xã hội đặc biệt là môn lịch sử cần phải có những bài học thực tế, đưa những thông tin thời sự nóng hổi vào bài học để tạo “linh hồn của từng giai đoạn lịch sử”.
Đối với môn văn học bên cạnh chương trình cơ bản hệ thống, phải có những tiết học để giáo viên được chủ động đưa những bài học có “hơi thở cuộc sống hôm nay”, điều này phải có sự đồng thuận ít nhất là trong phạm vi của một tỉnh. Muốn làm được điều này trước hết phải đổi đề thi và đáp án. Bởi khi vẫn áp dụng cứng nhắc theo đáp án thì khó có thể thay đổi SGK và phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt vì người thầy vẫn phải chịu áp lực từ phía lãnh đạo trường, từ phụ huynh.
Ở bậc tiểu học, cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) nhận xét: Việc giảm tải đối với bậc tiểu học phải phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên. Bởi giáo viên tiểu học phải dạy tất cả các môn, chính vì vậy việc giảm tải cũng gặp không ít khó khăn.
Nhiều giáo viên vẫn còn ôm đồm, nên vẫn dạy theo thói quen như chương trình vốn có của SGK. Giáo viên chưa mạnh dạn bỏ bớt những phần không cần thiết của chương trình. Một điều nữa là ở những câu cuối thay vì câu để lựa học sinh giỏi, áp dụng dạy theo “cá thể hóa” nhưng không ít giáo viên lại áp dụng dạy cho cả lớp nên gây áp lực quá tải học tập cho các em học sinh yếu.
Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông là điều phải làm bởi bao nhiêu năm nay áp lực học tập do chương trình quá tải đã làm khổ các em học sinh mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, giảm tải cần phải mang tính khoa học, đồng bộ có căn cơ không nên giảm một cách vội vàng do sức ép của dư luận. Việc giảm tải vội vàng, thiếu sự đồng bộ như hiện đã dẫn đến một thực tế chương trình quá tải vẫn hoàn quá tải.
Lê Linh