Trước hết, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019 của Chính phủ ban hành chậm 14 tháng so với quy định, dẫn đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động quy hoạch. Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công còn muộn màng hơn khi ban hành chậm 23 tháng so với quy định. Văn bản quy phạm pháp luật này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc quản lý, thanh toán và quyết toán kinh phí cho thẩm định quy hoạch tỉnh và hợp phần quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bên cạnh rất nhiều “chưa có” (chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí tổ chức phiên họp của hội đồng thẩm định; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập; chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính để lập quy hoạch…), một số hướng dẫn “đã có” lại khiến các cấp thừa hành… bối rối hơn!
Đơn cử, công văn hướng dẫn của Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN quy định thêm nhiều nội dung, trình tự, thủ tục so với Luật Quy hoạch. Các văn bản hướng dẫn này lại được ban hành dưới dạng công văn, không đúng thẩm quyền và hình thức theo quy định. Bộ Công thương ban hành công văn hướng dẫn làm phát sinh thêm thủ tục hành chính khi lấy ý kiến phương án phát triển cụm công nghiệp và phương án phát triển điện lực quốc gia trong nội dung quy hoạch tỉnh.
Bộ TN-MT, Bộ KH-CN ban hành công văn hướng dẫn nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó quy định thêm yêu cầu vượt quá nội dung đã được quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP đối với phương án phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phương án mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trong nội dung quy hoạch tỉnh. Nghị quyết số 119/NQ-CP đã yêu cầu thu hồi các văn bản nói trên nhưng đến nay mới chỉ có Bộ KH-CN thực hiện việc thu hồi văn bản.
Chỉ một vài ví dụ vừa nêu đã phần nào cho thấy những thách thức to lớn trong việc chấn chỉnh tình hình thực hiện Luật Quy hoạch. Chắc chắn việc rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, là việc cần làm ngay trước khi bắt tay vào nhiều công việc khó khăn khác nữa.