Đó là tình trạng đang xảy ra ở khu vực cảng Phú Định, quận 8, TPHCM khiến công trình được xây dựng hàng trăm tỷ đồng với quy mô được xem vào loại lớn nhất nước đang phải rơi vào tình cảnh chỉ có lèo tèo tàu thuyền ra vào giao nhận hàng hóa.
Tấp nập “bến cóc”
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi ghé thăm cảng Phú Định, quang cảnh hiện ra trước mắt là vẻ đìu hiu đến lạ thường chỉ có lèo tèo vài ghe, tàu nhỏ vào bốc xếp hàng hóa như: Vật liệu xây dựng, thủy hải sản… Trong khi đó, dạo quanh dọc kênh Tàu Hủ, Bến Bình Đông, Bến Phú Định,… là cảnh tàu, ghe, sà lan ra vào bốc xếp hàng hóa khá tấp nập ở các bến nhỏ lẻ dọc hai bên bờ kênh. Tấp nập nhất là khu vực Bến Bình Đông (đoạn từ cầu kênh ngang số 1 đến cầu kênh ngang số 2, quận 8) với chiều dài chưa đầy cây số nhưng mỗi ngày có đến hàng chục tàu, ghe, sà lan từ các tỉnh Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ… chở các mặt hàng trái cây, lúa gạo, bột mì, nhựa gia dụng, gốm sứ… lưu thông từ sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm Bến Lức và kênh Đôi rồi bỏ qua cảng Phú Định đưa phương tiện về neo đậu dọc bên bờ kênh để giao nhận hàng.
Tương tự, dọc Bến Phú Định, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều “bến cóc” hoạt động như bến gần UBND phường 16, quận 8; trước cổng Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn số 50A; bến ở trước cửa hàng Hải Hưng số 3… là điểm tập kết các mặt hàng trái cây, vật liệu xây dựng… Theo tìm hiểu, lý do mà các chủ thuyền đưa ra khi cập các “bến cóc” là tiện giao dịch, đỡ tốn phí cập bến.
Việc các chủ thuyền vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây không chịu vào cập bến ở cảng Phú Định giao nhận hàng mà cho tàu, ghe vào neo đậu ở các “bến cóc” không những làm cho cảng này hoạt động không hiệu quả mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường dọc các tuyến kênh. Vì các phương tiện khi neo đậu giao nhận hàng thường lưu đậu một vài ngày và mọi sinh hoạt hàng ngày của thuyền viên đều xả thải ra kênh. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra sự gia tải nặng ở khu vực dọc bờ kè do lượng hàng tập kết lớn, cũng như việc tàu thuyền lớn ra vào tạo ra lực sóng đánh dạt gây xói mòn chân bờ kè rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở bờ kênh.
Không cạnh tranh nổi
Cảng Phú Định nằm tại ngã ba sông Cần Giuộc - sông Chợ Đệm Bến Lức - kênh Đôi (phường 16, quận 8). Từ đây các phương tiện có thể tỏa đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng 3 tuyến đường thủy quốc gia: TPHCM - Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên; TPHCM - Kiên Lương, TPHCM - Cà Mau. Dù nằm ở vị trí khá tiện lợi; thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động chính thức hơn nửa năm nay số lượng tàu, thuyền ra vào cảng giao nhận hàng hóa mỗi ngày chỉ tính trên đầu ngón tay làm cho cảng này hoạt động không hiệu quả.
Ông Trần Hòa Lan, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông TPHCM cho biết: Cảng Phú Định được đầu tư với mục tiêu là sẽ di dời toàn bộ bến bãi vận tải thủy nội địa nhỏ trong nội thành ra vùng ven, từ đó tập trung mạng lưới cảng sông, bến thủy nội địa; gom hàng hóa về một mối cũng như đáp ứng phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy giữa TPHCM với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, sau khi giai đoạn 1 của dự án khánh thành đưa vào sử dụng, khối lượng hàng hóa lưu thông qua cảng không như mong đợi. Cụ thể, lượng hàng hóa lưu thông qua cảng hiện nay là 1.000 tấn/ngày.
Sở dĩ có tình trạng này, ngoài nguyên nhân do hệ thống cầu cảng thiết kế không còn phù hợp với tải trọng của phương tiện thủy hiện nay; luồng vào cảng hiện nay chỉ cho phép các loại tàu thuyền, sà lan nhỏ, có trọng tải tối đa là 375 tấn cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của cảng; sự kết nối giữa đường bộ vào cảng không đồng bộ thì việc khu vực xung quanh cảng có khá nhiều “bến cóc” đã đón hết nguồn hàng. Cụ thể, theo số lượng chúng tôi nắm được, hiện nay khu vực xung quanh cảng có đến gần 20 “bến cóc” hoạt động.
Để thu hút tàu thuyền ra vào cảng giao nhận hàng, cảng Phú Định kiến nghị các cơ quan chức sớm đầu tư nâng cấp hệ thống luồng tuyến cho các phương tiện thủy ra vào cảng được dễ dàng. Đề nghị Thanh tra giao thông đường thủy dẹp bỏ các “bến cóc” để tập trung nguồn hàng về cảng. Kiến nghị nâng cấp hệ thống đường bộ ra vào cảng. Chỉ có vậy, cảng Phú Định mới có điều kiện phát huy năng lực của một cảng đầu mối đường sông.
ĐÌNH LÝ