Mùa kinh doanh cuối năm đang vào giai đoạn cao điểm. Thời điểm này tại các chợ Bình Tây (quận 6), chợ Phùng Hưng (quận 5), chợ Tôn Thất Đạm (quận 1).., bên cạnh sản phẩm của các thương hiệu uy tín trong nước, bánh kẹo ngoại cũng đã tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng này có một điểm chung là khá mập mờ về nguồn gốc xuất xứ và không đồng nhất giữa chất lượng bánh bên trong với thông tin giới thiệu trên bao bì, vỏ hộp bên ngoài.
Lập lờ xuất xứ
Vào những ngày cuối tháng 12-2010, thương lái từ các tỉnh đổ về đóng hàng tấp nập, nhất là sản phẩm bánh kẹo. Tại các quầy dạo, người bán còn trưng bày thêm rất nhiều loại bánh hộp thiếc, trọng lượng từ 450gr đến 700gr, có ghi xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Ngoài ra, còn có nhiều loại bánh được đóng gói (từ 3–5 chiếc/gói), ghi toàn tiếng nước ngoài, giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Cũng loại bánh này, nếu bỏ vào hộp, giá bán sẽ là 25.000 đến 30.000 đồng/hộp 350 gram.
Ngoài những loại bánh kẹo nhập 100% từ Malaysia; có không ít sản phẩm mà bên ngoài hộp thì gắn “mác” ngoại, nhưng bên trong là bánh được nhập xá, đóng gói tại Việt Nam và bán với giá rẻ hơn hàng nội từ 5% – 15%. Tại chợ Phùng Hưng (quận 5), có rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo ngoại nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia về nhưng hoàn toàn không có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Một số loại nhập khẩu từ các nước châu Á với bao bì đóng gói tại Việt Nam, ghi xuất xứ Malaysia, Singapore..., nhưng cũng không ghi rõ thông tin về nhà sản xuất, chất lượng bánh bên trong không đồng nhất với lời giới thiệu ở bên ngoài.
Chất lượng trôi nổi
Theo Chi cục QLTT TPHCM, hàng lậu, giả và kém chất lượng năm nay tràn về thị trường TPHCM tăng khá mạnh. Giới kinh doanh loại hàng hóa này có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Thời điểm này, bánh kẹo, mứt Tết đã tràn ngập thị trường TPHCM, trong đó có nhiều hàng nhập từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á và hàng Trung Quốc. Nhìn chung chất lượng rất kém, giá bán rẻ hơn hàng trong nước cùng loại đến vài chục phần trăm nên vẫn thu hút người mua.
Thống kê sơ bộ của Chi cục QLTT TPHCM, trong hai tháng vừa qua đã kiểm tra hàng trăm vụ, đa số đều phát hiện có vi phạm với những mức độ khác nhau. QLTT đã xử lý nhiều vụ buôn bán, trữ hàng nhập không có chứng từ, trong đó có khối lượng lớn bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc… “Hàng lậu, hàng giả hiện đã tràn ngập đến mức nếu kiểm tra bất kỳ điểm bán lẻ nào cũng có thể phát hiện vi phạm, đặc biệt là bánh kẹo. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý ngày càng gặp nhiều khó khăn do không thể kiểm tra, xử lý những người bán chỉ vài ba hộp bánh nhập lậu. Còn tìm đến nơi chứa trữ hàng là cả vấn đề...”- một cán bộ QLTT TPHCM cho hay.
Theo một nhân viên bán hàng, vì tem dán trên bao bì một số loại bánh ngoại chỉ là loại keo nilon, mở ra dán lại khá dễ dàng, nên để kiếm lời, người bán còn trộn cả hàng của các cơ sở trong nước vào các loại bánh được dán “mác” ngoại này. Theo đó, đa số các sản phẩm bánh ngoại nhập khẩu có xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn hiện tượng trộn bánh đã hết hạn sử dụng hoặc bánh kém chất lượng, giá trị dinh dưỡng thấp, không tương xứng với bao bì mẫu mã và giá cả.
Những loại bánh kẹo ngoại dỏm này kém xa bánh kẹo trong nước về chất lượng, mẫu mã bao bì, sự đa dạng về chủng loại, đặc biệt là chất lượng hương vị và sự đảm bảo về nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do giá rẻ nên tại các chợ đầu mối cũng như các điểm kinh doanh sản phẩm Tết, các sản phẩm này vẫn được người bán “pha trộn” vào các giỏ quà Tết và được tiêu thụ khá nhiều.
Trước tình trạng trên, lời khuyên của các chuyên gia thị trường là hãy chọn sản phẩm có chất lượng của những thương hiệu uy tín. Nếu chọn giỏ quà gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, xem kỹ cơ cấu sản phẩm được gói bên trong, tránh mua nhầm hàng ngoại kém chất lượng, vừa ảnh hưởng sức khoẻ người sử dụng đồng thời giảm giá trị, ý nghĩa của món quà gửi trao!
Mai Thi – Lan Hương