Hồi đầu tháng 9-2016, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) công bố 19 nguyên liệu thành phần có nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc, trong đó có triclosan và triclocarban được sử dụng nhiều nhất trong các loại tẩy rửa diệt khuẩn (nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn…).
Từ thông tin này, nhiều người tiêu dùng ở nước ta đang lo lắng và rất cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm tẩy rửa diệt khuẩn. Các gian hàng bán xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn bán tại các siêu thị giảm hẳn người mua.
Một sản phẩm nước rửa tay có chất triclosan
FDA Hoa Kỳ khuyến cáo không được sử dụng triclosan, do các nghiên cứu cho thấy sản phẩm diệt khuẩn chứa triclosan không chứng minh được hiệu quả vượt trội so với xà phòng thông thường và nước sạch. Vì vậy, FDA cho phép các công ty có sản phẩm chứa triclosan (nhiều nhất là kem đánh răng, nước súc miệng, xà phòng diệt khuẩn ….) được phép có 3 năm (tính từ năm 2013) để chứng minh độ an toàn và hiệu quả vượt trội của sản phẩm chứa triclosan. Đến tháng 9-2016 tất cả các báo cáo chứng minh của các công ty này đều không thuyết phục được FDA về mặt chứng cứ khoa học. FDA cho phép trong vòng 1 năm nữa (đến tháng 9-2017) phải bỏ tất cả sản phẩm có chứa triclosan trên thị trường và trong 1 năm này phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm là có chứa triclosan và công bố rõ ràng hàm lượng.
Ngay sau khi có khuyến cáo của FDA, tại nước ta, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có động thái yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn để báo cáo.
Giảng viên Lê Minh Trí, Trưởng bộ môn Hóa dược Trường Đại học Y Dược TPHCM, phân tích: Triclosan và chất tương tự được xem là các hóa chất tổng hợp có tác dụng diệt vi khuẩn và nấm mốc, nấm gây bệnh. Cách nay hơn 40 năm, các chất này được sử dụng như là các chất sát trùng cho các phòng phẫu thuật, sau đó, có mặt trong rất nhiều sản phẩm dùng hàng ngày với vai trò sát khuẩn như xà phòng diệt khuẩn, nước súc miệng, xà phòng tắm, kem đánh răng, mỹ phẩm, chất khử mùi, băng keo cá nhân, vật dụng nhà bếp, đồ chơi và ngay cả quần áo lao động ngoài trời. Tuy nhiên, triclosan gây ảnh hưởng trên sức khỏe và môi trường. Bởi, triclosan là chất than dầu (lipophile), do vậy chất này có thể tồn tại khá lâu trong cơ thể người và động vật (do tan trong mỡ) và đa số các sản phẩm này đều được sử dụng hàng ngày (rửa tay, súc miệng, tắm giặt…) nên nguy cơ tích tụ trong cơ thể là khá cao. Triclosan gây dị ứng, hen suyễn, chàm, gây đề kháng kháng sinh (giống như sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi). Sử dụng lâu dài thì triclosan ngấm vào máu, vào cơ thể có thể gây ung thư.
Qua các thông tin đó, các nhà sản xuất chất tẩy rửa diệt khuẩn ở nước ta nên khẩn trương ngưng sử dụng triclosan làm nguyên liệu. Người tiêu dùng không nên lạm dụng các chất sát khuẩn.
LÊ SƠN HẢI (quận 8, TPHCM)