LTS: Báo cáo khảo sát xã hội học “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” vừa được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố, đã đưa ra một kết quả không bất ngờ: Cảnh sát giao thông (CSGT) là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất. Bạn đọc Báo SGGP tiếp tục nêu ý kiến phân tích thực trạng đáng lo ngại này.
Hưởng lợi từ tiền phạt dễ chệch hướng hoạt động
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền thu phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 hơn 2.540 tỷ đồng, 9 tháng năm 2012 gần 1.999 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ lệ được trích lại 70% số tiền thu phạt, CSGT được phân bổ số tiền khá lớn. Việc được hưởng lợi từ tiền phạt đã tạo ra sự chệch hướng ngay trong hoạt động của CSGT: Xem trọng việc thu phạt hơn việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Hình ảnh người CSGT cần mẫn làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở các giao lộ để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và giảm nguy cơ tai nạn giao thông bị lu mờ trước việc CSGT rình núp chờ người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông để bắt phạt.
Trong thời gian qua, tại TPHCM, biểu hiện rõ nhất của việc chăm chăm thu phạt để hưởng lợi là ở nhiều giao lộ, CSGT chỉ lo thổi phạt, giao hết trách nhiệm điều tiết giao thông cho thanh niên xung phong. Cũng từ sa đà vào việc thu phạt cho ngành, không ít CSGT dần biến chất, thổi phạt để nhũng nhiễu thu tiền “mãi lộ”, gây mất lòng dân nghiêm trọng, dẫn đến việc CSGT bị cho là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất.
Tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, giải trình về số tiền phạt trong lĩnh vực giao thông và tỷ lệ trích cho các ngành từ tiền thu phạt này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, từ ngày 1-7-2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, các khoản tiền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đang được trích phân bổ cho các cơ quan liên quan sẽ phải nộp hết vào ngân sách nhà nước. Đó là giải pháp hợp lý, việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông là đương nhiên, không thể để CSGT phải “tự thân vận động” bằng cách kiếm tiền thu phạt.
LÊ BẢO LÂM (Quận 11, TPHCM)
Đừng “hóa trang” để rình phạt
Mới đây, tôi đón con đi học thêm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM), thấy có nhiều người đang bị 2 CSGT giữ lại để phạt vì các vi phạm rẽ trái khi đèn đỏ, chạy xe lấn tuyến… Tôi tò mò đứng lại quan sát xem CSGT có lập biên bản phạt đúng quy định hay nhận “tiền lót tay” rồi cho đi, thì thấy có một thanh niên chừng 25 - 26 tuổi cứ lảng vảng ngay bên cạnh CSGT, cố ý che chắn sự quan sát của người qua đường. Và rồi những người vi phạm sau khi “đóng phạt” mà không lấy một tờ biên bản nào cả cũng được cho đi. Một lúc sau, thấy có nhiều người tò mò đứng lại quan sát, 2 CSGT này lên xe phóng đi và anh thanh niên lúc nãy cũng bỏ đi theo.
Lúc này, một chị bán hàng rong mới giải thích cho mọi người biết: “Cái thằng hồi nãy chuyên làm nhiệm vụ… cản địa cho mấy ổng thu tiền”. Mọi người ngơ ngác, CSGT tiêu cực khi làm nhiệm vụ lại còn có người quen vào vai “hóa trang” để cảnh giới, che chắn. Nay Bộ Công an lại cho CSGT được phép hóa trang, mặc thường phục để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn giao thông, sẽ tạo ra những kẽ hở cho nạn nhũng nhiễu, tiêu cực và giả danh lộng hành. Điều nên làm hơn chính là tổ chức đội ngũ thanh tra hóa trang, mặc thường phục thường xuyên rảo qua các chốt giao thông để bắt quả tang CSGT thu “tiền mãi lộ”.
Nhiều người thường xuyên đi làm qua ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TPHCM) vẫn còn nhớ cách đây hơn 20 năm, có một người CSGT cao tuổi - mọi người đặt biệt danh là “ông Từ già khó tính” - thường đứng ở giao lộ này. Ông thổi phạt nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông, không nể nang ai. Tôi cũng từng một lần bị ông lập biên bản phạt vì xe máy gắn còi hơi. Đến bây giờ nhiều người vẫn nhắc đến ông với tình cảm tôn trọng, bởi lẽ ông không bao giờ nhận tiền lót tay và không kiếm chuyện hành dân. Người bị phạt đều “tâm phục, khẩu phục” vì được ông giải thích rõ ràng để biết mình đã sai.
Không phải ngẫu nhiên mà sắc phục của CSGT có màu tươi sáng, chính là để đi từ xa, người lái xe dễ dàng nhận ra người thi hành công vụ giữ trật tự an toàn giao thông, như là sự nhắc nhở mọi người điều khiển xe đúng luật giao thông. Với sắc phục có tính thị uy và cảnh báo, CSGT phải thực sự là bạn của dân, chứ không nên “hóa trang” để “canh me”, rình rập phạt người vi phạm luật giao thông.
ÁNH LAN (Quận 5, TPHCM)
Không nên giao chỉ tiêu thu tiền phạt
Lâu nay, mọi người vẫn quan niệm rằng phạt hành chính nói chung và phạt tiền nói riêng là nhằm giáo dục, răn đe người vi phạm. Vì vậy, có không ít ý kiến cho rằng, cần phạt tiền thật nặng đối với các hành vi vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhằm hạn chế các vi phạm, nhất là trên lĩnh vực giao thông. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cần phải xem phạt là một hình thức chế tài đối với các vi phạm ít nghiêm trọng để thiết lập kỷ cương, sau đó mới nhằm răn đe, giáo dục.
Dư luận hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc bỏ quy định trích 70% tiền phạt từ các vi phạm luật giao thông cho lực lượng CSGT. Cần quán triệt nhận thức cho các lực lượng tham gia xử phạt vi phạm luật giao thông rằng, phạt là để góp phần đảm bảo an toàn giao thông, chứ không phải phạt để mình được hưởng lợi. Khi đó, việc xử phạt sẽ khách quan, công tâm và đúng pháp luật, bởi không bị yếu tố chủ quan chi phối.
Dĩ nhiên, không nên đề ra chỉ tiêu từng địa phương, từng ngành sẽ thu tiền phạt bao nhiêu trong năm, mà phải chú trọng việc xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi, có tính thuyết phục và răn đe cao. Cần minh bạch việc sử dụng các khoản thu phạt này theo các tiêu chí riêng, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, không nhất thiết theo một khuôn mẫu chung.
TRÚC GIANG (Quận 3, TPHCM)